Mohamed Hossain Akari, 26 tuổi, đang ở nhà với bố mẹ vào một ngày cuối tuần trước tại thủ đô Tripoli, Libya. Bất thình lình, một nhóm cướp có vũ trang xông thẳng vào nhà chàng thanh niên rồi xả súng. Vớ lấy khẩu AK-47 thủ sẵn trong nhà, Akari chống trả. Một tên bị giết chết, một tên bị thương, số còn lại bỏ của chạy lấy người. Vụ cướp bất thành.
Đó là cảnh thường gặp ở Tripoli, thành phố từng được mệnh danh là nàng tiên cá của Địa Trung Hải, sau 2 năm kể từ khi “Mùa xuân Ảrập” thổi tới Libya và cuộc chiến Mỹ mang tới nước này nhằm lật đổ triều đại của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Theo Washington Post, số lượng những vụ bắt cóc, cướp có vũ trang ngày một gia tăng. Bạo lực tràn lan khi mà xích mích nhỏ cũng có thể dẫn đến một cuộc đấu súng trên đường phố. Trong khi đó, các vụ ám sát các quan chức chính phủ bằng súng, bom liên tục xảy ra. Chính phủ đương nhiệm của Libya hiện nay gần như không thể kiểm soát nổi tình hình an ninh trong nước. Điều này đã tiếp tay cho việc buôn bán vũ khí giữa Libya với các quốc gia chung đường biên giới như Niger và Chad dễ dàng hơn bao giờ hết. Muốn sở hữu một khẩu súng tại Tripoli, chẳng có gì khó khăn.
Rất nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức hiện nay tại Libya có nguồn gốc từ các tay súng tham gia lật đổ ông Gaddafi. Sau cái chết của nhà lãnh đạo Libya, những kẻ được Mỹ và phương Tây tung hô là người hùng chiến đấu cho tự do của Libya không tham gia tái thiết đất nước mà tiếp tục “chiến đấu” cho mục đích cá nhân. Những vũ khí họ có được từ sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây giờ được phục vụ cho việc cướp phá, giết chóc.
Bất ổn không chỉ xảy ra trên đường phố. Nội bộ chính phủ đương nhiệm của Libya cũng đang lục đục. Các đảng đối lập cho rằng “không biết có thể gọi đây là chính phủ khi mà họ không có quân đội, không lực lượng cảnh sát, để lực lượng nổi dậy kiểm soát, bạo lực xảy ra tràn lan”. Libya đang đối mặt với làn sóng ly khai ở khu vực Cyrenaica và Fezzan, những vùng có trữ lượng dầu mỏ rất lớn. Nếu việc tách khỏi Libya xảy ra, kinh tế của nước này sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Một sự kiện xảy ra hồi tháng 7 vừa qua đã minh chứng cho những quan ngại này. Nhằm phản đối chính phủ, bộ lạc Berber ở Libya đã đóng đường ống khí đốt dẫn qua quận Nalout, phía Tây của Libya. Sự việc đã khiến kinh tế Libya mất 1,6 tỷ USD từ ngày 25-7 đến nay.
Chính trị, kinh tế, xã hội đều bất ổn chưa đủ, hiện nay vùng phía Nam Libya đang trở thành căn cứ địa của lực lượng khủng bố Al Qaeda mới nổi. Theo Russia Today, đây là lực lượng trốn chạy khỏi Mali sau đợt tấn công của Pháp vào quốc gia châu Phi này. Một quan chức tình báo giấu tên của Libya cho biết, giờ đây trụ sở của Al-Qaeda tại Bắc Phi đã chuyển về Libya.
Có thể nói những “tiên đoán” của nhà lãnh đạo Gaddafi vào thời điểm trước khi bị lật đổ đang dần thành hiện thực. Khi đó, ông Gaddafi đã cảnh báo phương Tây về hậu quả khi chính quyền của ông sụp đổ, toàn bộ vùng Bắc Phi sẽ có một làn sóng khủng bố phát triển mạnh mẽ. Một điểm chung mà các quốc gia hứng chịu làn sóng “Mùa xuân Ảrập” đó là không có các thế lực Hồi giáo cực đoan tại các quốc gia của họ. Do đó, họ có thể kiểm soát được các tôn giáo, khiến họ chung sống trong hòa bình. Kể từ khi làn gió “Mùa xuân Ảrập” tràn qua nhờ sự tiếp sức của Mỹ và phương Tây, mối liên hệ ôn hòa ấy đã bị phá vỡ. Và giờ đây, với việc Mỹ chuẩn bị tấn công Syria, Trung Đông-Bắc Phi sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn hơn nữa.
ĐỖ CAO