Ấm no từ những đồng lúa vùng biên viễn

Chư Prông là huyện biên giới của tỉnh Gia Lai. Trong cơ cấu cây trồng của huyện những năm gần đây, lúa là cây trồng chính ở 3 xã Ia Mơ, Ia lâu và Ia Piơr. Dù kinh nghiệm canh tác lúa nước chưa nhiều nhưng người dân rất hăng say cải tạo đồng ruộng, đưa giống tốt vào sản xuất. Nhờ đó, các cánh đồng lúa nơi đây đã và đang giúp đời sống người dân ấm no.
Ông Rơ Mah Tuýt bên ruộng lúa của gia đình
Ông Rơ Mah Tuýt bên ruộng lúa của gia đình

Đến xã biên giới Ia Mơ thời điểm này, chúng tôi cảm nhận không khí ấm áp, an lành, cuộc sống người dân khởi sắc thấy rõ. Gương mặt lộ rõ niềm hân hoan khi cây lúa sau 1 tháng gieo sạ đã phát triển xanh tốt, ông Rơ Mah Tuýt (làng Klah, xã Ia Mơ) cho biết: “Gia đình có 8 sào lúa nằm ngay mương thủy lợi mới gieo khoảng 1 tháng, cây mập mạp và đang đẻ nhánh. Vụ mùa năm ngoái, gia đình trồng 3 sào, thu được 1,5 tấn lúa nên đủ gạo ăn, không còn lo đói. Vụ năm nay, gia đình mở rộng diện tích, đồng thời chuyển sang trồng giống lúa chất lượng cao là ST25. Hy vọng vụ mùa này sẽ giúp gia đình bội thu”.

Trên cánh đồng lúa làng Klah, chúng tôi bắt gặp ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, tất bật hướng dẫn bà con chăm sóc lúa nước. Gương mặt nhễ nhại mồ hôi vì nắng, ông Tuấn Anh kể: “Xã hiện có hơn 155ha sản xuất lúa, riêng làng Klah là 55ha. Do người dân mới canh tác trồng lúa nước mấy năm nay nên cán bộ phải lội ruộng hướng dẫn bà con làm bờ, chăm sóc, cách bón phân, phun thuốc”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, nhờ trồng lúa, xã đã giải quyết được vấn đề lương thực, bà con không lo bị đói. Hiện quỹ đất để phát triển lúa trên địa bàn còn nhiều, chất đất lại chưa bị thoái hóa nên cho năng suất cao. “Để giúp bà con xóa đói giảm nghèo, sắp tới, xã sẽ vận động dân mở rộng diện tích lúa và phát triển theo mô hình cánh đồng lớn để cơ giới hóa toàn bộ, giảm chi phí, tăng thu nhập cho bà con. Trong đó, sẽ ưu tiên sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị, qua đó hướng đến xây dựng thương hiệu gạo Ia Mơ”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Ngược về xã Ia Lâu, một trong những vựa lúa của huyện Chư Prông, bà con cũng đang tất bật ra đồng nhổ cỏ, bón phân và dặm lúa. Chủ tịch UBND xã Ia Lâu Lê Thành Công cho biết, lúa là cây trồng chủ lực của xã với diện tích khoảng 550ha, và hiện Cục sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu lúa gạo Ia Lâu. Lúa gạo có thương hiệu nên được xuất bán khắp các tỉnh thành, mang lại thu nhập cao hơn so với trồng các loại cây ngắn ngày khác, giúp đời sống bà con đồng bào được ấm no, ổn định.

Theo Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng, tại 3 xã Ia Mơ, Ia Lâu và Ia Piơr, diện tích lúa của người dân là khoảng 1.300ha. Những năm qua, huyện đã có nhiều chính sách để nâng cao năng suất cây lúa cho các xã biên giới, vùng đệm. Đơn cử như huyện hỗ trợ giống, phân bón để khuyến khích bà con chuyển đổi sang trồng giống lúa năng suất cao; vận động hình thành 3 nông hội để người dân cùng giúp nhau trồng lúa; xây dựng các hợp tác xã thu mua lúa cho dân; hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để vừa tiết kiệm vừa cho nâng suất, chất lượng cao…

“Quỹ đất để trồng lúa ở các xã trên vẫn còn. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích. Trong đó, huyện sẽ ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư kênh mương, công trình thủy lợi nhằm dẫn nước, giúp bà con mở rộng diện tích”, ông Đinh Văn Dũng cho biết.

Tin cùng chuyên mục