Âm thầm gieo chữ trong đêm

Nép mình trên con đường 30-4, nơi có hàng loạt công trình mang đậm dấu ấn của ngành công nghiệp dầu khí, Trường THCS Phước Thắng (phường 11, TP Vũng Tàu) có diện tích khiêm tốn chỉ khoảng nửa hécta. Quy mô tuy không đồ sộ nhưng ngôi trường tròn 50 năm tuổi đang lưu giữ nhiều kỷ niệm của nhiều thế hệ thầy, cô giáo cũng như học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở mảnh đất thủ phủ dầu khí.
Lớp học phổ cập giáo dục ban đêm tại Trường THCS Phước Thắng
Lớp học phổ cập giáo dục ban đêm tại Trường THCS Phước Thắng

Chặng đường 50 năm

Được thành lập năm 1972, Trường THCS Phước Thắng (tiền thân là Trường Trung học thị xã Phước Thắng) đã trải qua một lần nhập, hai lần tách và 5 lần điều chỉnh tên, nhưng hai tiếng âm vang “Phước Thắng” vẫn luôn đi cùng đơn vị trong quá trình hình thành và phát triển. Với gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó có 20 năm gắn bó với trường, thầy Lương Hữu Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thắng, vẫn bồi hồi khi nhớ lại những ngày đầu về trường nhận công tác.

Đầu những năm 2000, chia tay xã đảo Long Sơn, thầy về đứng lớp môn Ngữ văn của trường. Giống như nhiều cơ sở khác, dù được thành lập đã lâu và cũng nhận được sự quan tâm của hệ thống chính quyền, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, lại thêm trường ở xa trung tâm thành phố nên cơ sở vật chất của trường còn khá thiếu thốn. Đã vậy, trên địa bàn chủ yếu là người dân từ nơi khác về mưu sinh bằng nhiều ngành nghề khác nhau, tỷ lệ bỏ học khá cao nên việc dạy cũng gặp không ít khó khăn. Có những thời điểm, từng thầy, cô giáo phải đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà vận động người dân đi học xóa mù chữ, học sinh đi phổ cập như ở những tỉnh vùng cao.

Thế nhưng, bằng nhiệt huyết cống hiến cho nghề, tập thể cán bộ, giáo viên của trường đã không ngừng phấn đấu để từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách. Nằm trên địa bàn phường có dân số đông nhất nhì TP Vũng Tàu, trước năm 2018, trường có tới hơn 1.900 học sinh, trong khi tính cả các phòng trưng dụng thì toàn trường chỉ có 22 phòng học. Đến nay, nhờ được sự quan tâm đầu tư, cơ sở vật chất của trường đã khang trang, sạch sẽ, số phòng học cũng tăng lên đến 36 phòng để phục vụ công tác giảng dạy cho hơn 2.500 học sinh trên địa bàn.

Ươm mầm ở lớp học tình thương

Điều ấn tượng ở ngôi trường này là lớp học bổ túc văn hóa THCS ban đêm - lớp học dành cho những em có hoàn cảnh đặc biệt đến từ mọi miền của Tổ quốc. Đây cũng là ngôi trường duy nhất còn lại của thành phố biển thực hiện chương trình phổ cập giáo dục bậc THCS, và đa số học sinh của lớp đều con nhà nghèo. Đặc biệt hơn, có em là trẻ mồ côi, ban ngày đi bán vé số, phụ hồ, lượm ve chai mưu sinh, tối đến thì cắp sách vở đến trường. Có không ít em từ nhiều tỉnh, thành miền Tây, thậm chí là miền Bắc, theo gia đình đi làm ăn thời vụ phải bỏ học giữa chừng, đến đây mới có cơ hội học tập trở lại. Do có nhiều trường hợp đặc biệt nên công tác giảng dạy cũng được các thầy, cô giáo lồng ghép với công tác tư vấn tâm lý, điều chỉnh giáo án và cách truyền đạt mỗi giờ lên lớp.

Gần 20 năm gắn bó với trường và lớp học bổ túc văn hóa, cô Nguyễn Thị Mỹ Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thắng, chia sẻ, để duy trì lớp học ban đêm đến ngày hôm nay là sự cố gắng của cả tập thể nhà trường, bởi kinh phí hạn hẹp và đều phải tự túc. Cô Nguyễn Thị Mỹ Châu nói: “Mọi người thường gọi tôi và thầy Lương thủ vai “Cái bang”, bởi chúng tôi hay đi xin nhà tài trợ từ cái bút, quyển tập cho đến đồng phục cho các em học sinh ở lớp học tình thương”. Chuyện giáo viên mang con đến trường để có thể dạy ở lớp học ban đêm là chuyện thường xuyên, nên trường cũng là ngôi nhà thứ hai đối với mỗi thầy, cô giáo nơi đây. Không chỉ những người lâu năm, nhiều giáo viên mới về công tác ở trường như cô Trần Huế cũng khá nặng lòng với lớp học tình thương. Năm 2022, cô cùng chồng chuyển về Vũng Tàu sinh sống. Mặc dù mới nhận công tác ở Trường THCS Phước Thắng được hơn 1 tháng, nhưng cô đã xung phong giảng dạy bộ môn Giáo dục địa phương - một bộ môn mới của chương trình giáo dục mới - tại lớp học ban đêm.

Qua hơn 23 năm duy trì, đã có rất nhiều trường hợp bước đến thành công từ lớp học bổ túc văn hóa ban đêm của Trường THCS Phước Thắng. Một trong số đó là ông Lâm Thành Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường 11, TP Vũng Tàu. Bình quân, mỗi năm trường đã trao cơ hội học tiếp cho khoảng 40 học sinh tốt nghiệp bổ túc. Với sự nỗ lực cống hiến không ngừng của cả tập thể, từ năm 2004 đến nay, Trường THCS Phước Thắng đã 3 lần được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đây cũng là trường có số lượng học sinh đăng ký đi học nghề tại các trường cao đẳng nghề cao nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ tính riêng năm học 2022-2023, trường có 120 học sinh đăng ký học các nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có 20 học sinh học hệ bổ túc văn hóa.

Mặc dù trong quá trình dạy và học còn nhiều khó khăn nhưng Ban Giám hiệu Trường THCS Phước Thắng khẳng định sẽ phấn đấu duy trì lớp học ban đêm để giúp các em có hoàn cảnh bất hạnh vươn lên trong cuộc sống, đồng thời phần nào làm giảm đi gánh nặng cho gia đình các em và xã hội.

Tin cùng chuyên mục