Ở Ấn Độ, xe gắn máy 2 bánh và xe lam 3 bánh có ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, xe điện ngày càng được sử dụng nhiều, coi như là một cách để giảm ô nhiễm không khí.
Chính phủ Ấn Độ năm 2019 đã tuyên bố, chỉ có xe 2 bánh, 3 bánh chạy điện mới được phép lưu thông vào năm 2025. Công ty Khởi nghiệp Altigreen có trụ sở tại Bangalore, một trong những công ty cung ứng các loại xe điện, chuẩn bị tung ra thị trường xe lam điện đầu tiên.
Xe lam điện sắp lăn bánh ở Ấn Độ
Công ty sẽ ra mắt chiếc xe lam hoàn toàn bằng điện “trong quý tới”, theo CEO Amitabh Saran. Một công ty đối tác đang sản xuất khung xe, trong khi Altigreen cung cấp các bộ phận bên trong bao gồm động cơ, truyền dẫn, hệ thống hiển thị và viễn thông cung cấp dữ liệu về hiệu suất lái xe cho điện thoại thông minh của người dùng. Altigreen tự tin đây là một trong các xe điện chạy nhanh nhất Ấn Độ, với tốc độ tối đa 53km/giờ và thời gian sạc nhanh hơn. Thay vì cần một trạm sạc, xe lam của Altigreen có thể được sạc qua bất kỳ ổ cắm điện AC thông thường nào trong 3-4 giờ. Chiếc xe có giá ban đầu cao hơn so với các đối thủ không dùng điện với mức giá khoảng 350.000 rupee (4.700 USD). Altigreen cũng đang tìm cách phát triển xe 2 bánh, 4 bánh chạy điện với mục tiêu sản xuất 10.000 xe/tháng trong vòng 3 năm.
Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện các bước để khuyến khích mua xe điện bằng cách cắt giảm thuế và cung cấp trợ cấp. Xe điện có thể giảm thiểu tác động đến sức khỏe của ô nhiễm không khí, mặc dù những phương tiện này sẽ sử dụng điện từ lưới điện chủ yếu dựa vào than đá tại Ấn Độ, vốn gây ô nhiễm. Tại Ấn Độ, nhiều công ty khác cũng đang lao vào cuộc đua cung cấp xe điện các loại.