Ẩn họa

Chuyện sư tử đá “xâm lăng” nơi thờ tự Việt không phải là câu chuyện mới, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã “kêu” rất nhiều rồi. Cách đây vài năm, hiện tượng này xảy ra âm thầm và nhỏ lẻ nhưng bây giờ nó công khai, như thách thức cơ quan quản lý văn hóa.

Chuyện sư tử đá “xâm lăng” nơi thờ tự Việt không phải là câu chuyện mới, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã “kêu” rất nhiều rồi. Cách đây vài năm, hiện tượng này xảy ra âm thầm và nhỏ lẻ nhưng bây giờ nó công khai, như thách thức cơ quan quản lý văn hóa.

Chính vì thế, Bộ VH-TT-DL có văn bản khuyến cáo không trưng bày, không sử dụng, cung tiến biểu tượng, sản phẩm, linh vật, sư tử đá... không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đồng thời, bộ còn đề nghị tuyên truyền và vận động tháo dỡ, xử lý việc sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi các nơi công cộng. Đó thực sự là tin vui với những người nặng lòng với văn hóa dân tộc.

PGS Trần Lâm Biền, người đã nhiều năm đau đáu với việc này đã phải thốt lên rằng: “Tôi cực kỳ bức xúc với cái chuyện sư tử ngoại lại án ngữ đình chùa Việt. Nếu bạn hỏi tôi nguyên nhân nào mà “đẻ” ra chuyện đó thì cho tôi nói thẳng đó là sự ngu dốt và thiếu hiểu biết”. Với những trí thức, những người có kiến thức về bảo tồn kiến trúc, mỹ thuật cổ… thấy sư tử đá xuất hiện tràn lan như hiện nay thì đau đớn lắm. Đau đấy, nhưng thấp cổ bé họng, có gào thét cũng chẳng ai nghe. Đồng tình với quan điểm này, GS Tống Trung Tín cũng cho rằng nhiều người đã hiểu một cách máy móc và mê muội rằng sư tử đá là biểu tượng của quyền lực và sự may mắn. Nhưng nếu “thấm” được sư tử đá Trung Quốc được dùng để canh giữ lăng mộ thì tôi dám chắc sẽ chẳng mấy ai tiếp tục mua và cung tiến loại vật này vào di tích nữa.

Sự xóa nhòa bản sắc, làm méo mó lịch sử sẽ khiến các thế hệ sau có những hiểu biết không đúng về những giá trị thuần Việt của dân tộc. Ngày trước công đức rất đơn giản, nhưng là từ tận đáy tâm người công đức. Bây giờ thậm chí người ta còn hào hứng công đức để được khắc tên trên bia đá, cũng là một loại “hiện vật lạ” trong di tích. Như vậy có là có tội. Công đức, cung tiến mà vô lối là có tội. Nhiều người cứ coi đó là chuyện nhỏ nên không để ý, nhưng đó là sự phản văn hóa. Nếu bày tràn lan như vậy, con cháu chúng ta lớn lên sẽ mặc định rằng đó là sư tử Việt. Đó là sự nhập nhèm về văn hóa. Thêm nữa, việc bê nguyên những con sư tử đá ngoại lai dập khuôn Trung Quốc đặt vào “lòng” di sản văn hóa, trong bối cảnh chúng ta đang đề cao việc giữ gìn truyền thống thì chẳng khác nào một sự xúc phạm, phủ nhận truyền thống.

Nhiều người nhận ra cái “tội” của mình muốn sửa chữa nhưng lo ngại rằng đồ đã cung tiến thì có khí linh, khó chạm vào; song như GS Trần Lâm Biền phân tích, liệu có linh thiêng hay không khi đặt vào giữa chốn tôn kính một thứ trái chiều, ngược quy luật? Chính sự mạnh dạn, dám sửa sai mới góp phần phục hồi lại uy lực và sự linh thiêng.

Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL cũng cho biết, từ cuối tháng 8, cục sẽ phối hợp cùng Thanh tra bộ thành lập đoàn kiểm tra đối với các di tích có sư tử đá cùng các hiện vật có nguồn gốc từ nước ngoài, trái với lịch sử, kiến trúc, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Đoàn thanh tra cũng sẽ kiên quyết yêu cầu di dời “hiện vật lai căng” này, đảm bảo nguyên trạng cho di tích tín ngưỡng Việt.

Mong rằng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các di tích sẽ tìm lại được vẻ đẹp thanh tịnh trang nghiêm vốn có của truyền thống Việt.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục