Ăn tết lành mạnh, tránh rước bệnh

Lễ tết là khoảng thời gian sum họp, đoàn viên, vì vậy những mâm cỗ, bàn tiệc luôn đầy ắp thức ăn, nước ngọt, bia rượu. Đáng ngại, thời gian nghỉ tết kéo dài, thói quen sinh hoạt bị đảo lộn, nhiều người tự cho mình ăn uống thả ga, hoặc ăn không đúng bữa, khiến vô tình rước bệnh vào thân.
Ăn uống lành mạnh và khoa học dịp tết để có một cơ thể khỏe mạnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ăn uống lành mạnh và khoa học dịp tết để có một cơ thể khỏe mạnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đã miệng nhưng hại thân

Theo bác sĩ Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, ngày tết, gia đình nào cũng tranh thủ mua sắm, chế biến, dự trữ nhiều loại thực phẩm từ mứt, hạt sấy khô, giò, chả, nem, bánh tét, các loại thực phẩm muối chua, đến bia rượu, nước ngọt… Trong bữa ăn luôn xuất hiện các món chứa nhiều năng lượng, chất béo động vật, đường, đạm, nhưng lại ít rau xanh, trái cây. Nghịch lý, tết là thời gian cơ thể được nghỉ ngơi, vì vậy nhu cầu về năng lượng sẽ rất thấp so với khi cơ thể phải vận động, làm việc. Do đó, việc dung nạp quá nhiều năng lượng sẽ khiến cơ thể phát sinh các bệnh lý mạn tính hoặc làm trầm trọng thêm bệnh lý sẵn có trong cơ thể.

Bên cạnh đó, thực phẩm lên men (dưa chua, củ kiệu, hành chua…) được xem là “sát thủ” đối với sức khỏe vì những tác hại đối với cơ thể, tuy nhiên lại là món ăn luôn có mặt trong mâm cỗ dịp tết. Với đặc điểm được làm thủ công, nếu người làm không chú ý các điều kiện chế biến an toàn (nguồn gốc, vận chuyển, chế biến, bảo quản) sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu an toàn. Hơn nữa, do tính chất món ăn chứa nhiều muối, dễ làm gia tăng bệnh lý về tim mạch, huyết áp, thận, thậm chí có thể gây ung thư nếu sử dụng các thực phẩm lên men còn xanh chưa đủ độ chua, hoặc để lâu ngày, dùng hóa chất để lên men.  

Ngoài ra, theo các chuyên gia dinh dưỡng, đối với các thực phẩm đông lạnh, đa phần sẽ chứa chất bảo quản không tốt cho sức khỏe, hơn nữa, nếu rã đông không đúng cách sẽ gây nguy cơ nhiễm khuẩn, dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Theo bác sĩ Dương Thị Kim Loan, việc ăn quá nhiều bánh ngọt, mứt, kẹo, uống nhiều nước ngọt có gas cũng sẽ gây ra tình trạng dư thừa năng lượng, tích tụ mỡ, béo bụng, thừa cân, lão hóa da, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp…

“Ngoài ra, dư thừa đạm sẽ gây hại cho thận, làm tăng nguy cơ sỏi thận. Đặc biệt, bệnh gout, “căn bệnh thời đại” sẽ dễ dàng xuất hiện hoặc tái phát gây đau nhức dữ dội các khớp nếu ăn quá nhiều đạm, đặc biệt từ thịt đỏ và hải sản”, bác sĩ Dương Thị Kim Loan khuyến cáo.

Nghỉ ngơi, chớ quên vận động

Mặc dù tết là thời gian cơ thể nghỉ ngơi, nhưng để tốt cho sức khỏe, cơ thể cũng cần được vận động. Vận động là một phần không thể tách rời đối với chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối được áp dụng hàng ngày.

Theo bác sĩ Dương Thị Kim Loan, vận động giúp cơ thể khỏe mạnh, cơ bắp chắc khỏe, giảm mỡ thừa, xương khớp dẻo dai, giúp ổn định đường huyết đối với người mắc bệnh đái tháo đường, nâng cao sức đề kháng cơ thể, đặc biệt trong phòng chống lây nhiễm Covid-19. Trong đó, các hình thức tập luyện cần thực hiện như: đi bộ nhanh, yoga, dưỡng sinh, khiêu vũ. Cường độ và thời gian luyện tập tùy theo từng người: tập vừa sức, đều đặn 45 phút mỗi ngày, hay 15 phút/lần, từ 2-3 lần/ngày (ngoại trừ người cao tuổi có bệnh lý mạn tính cần tư vấn bác sĩ để có lời khuyên thích hợp).  

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, để có mùa tết an toàn thì nên chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không chọn thực phẩm có nhiều muối. Thực đơn phải cân đối dinh dưỡng đủ đạm, béo, tinh bột, vitamin, khoáng, nước và chất xơ. Cần thực hiện ăn theo nhu cầu khuyến nghị cho từng cá nhân, tăng cân đối với người gầy suy dinh dưỡng, tránh tăng cân đối với người thừa cân béo phì. Phải biết áp dụng bảng chuyển đổi thực phẩm cho từng nhóm, ví dụ nếu ăn thêm bánh chưng, bánh tét thì phải trừ cơm.

Trường hợp có bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, cần chú ý ăn theo khẩu phần dinh dưỡng bệnh lý được bác sĩ tư vấn. Việc mua thực phẩm cũng cần vừa theo nhu cầu sử dụng, hạn chế dự trữ thực phẩm quá nhiều. Chế biến thực phẩm an toàn, ăn ngay sau chế biến (hay sau khi cúng), tránh hâm đi hâm lại thực phẩm, vừa thiếu an toàn vừa mất ngon.

Song song đó, việc xác định tình trạng sức khỏe sau tết cũng rất cần thiết. “Việc khám sức khỏe tổng quát sau tết nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe của bản thân và người thân, từ kết quả đó giúp chúng ta chủ động điều chỉnh chế độ ăn uống đảm bảo sức khỏe, phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch, huyết áp…”, bác sĩ Bùi Thị Thu Hoài, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, nhấn mạnh.

Thời gian qua, các bệnh viện tại TPHCM liên tục cấp cứu nhiều ca ngộ độc rượu, gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn dẫn đến ngộ độc.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm (sử dụng rượu được sản xuất từ phương pháp lên men thủ công dễ tạo ra methanol, rượu pha chế từ cồn công nghiệp có chứa methanol hoặc cồn methanol, rượu ngâm thuốc, rượu ngâm cây rừng độc, rượu ngâm phủ tạng động vật…). 

Để phòng chống ngộ độc rượu trong dịp tết, người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,1%, vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 300 trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính, hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

Bên cạnh đó, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia. Một người bình thường không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày (1 đơn vị rượu chứa 10g cồn), tương đương 30ml rượu mạnh (40-430), 100ml rượu vang (13,50), 330ml bia hơi (50) và 2/3 chai 500ml hoặc lon bia 330ml (50).

MINH NAM

Tin cùng chuyên mục