Nhiều thế hệ nghệ sĩ của Việt Nam từng được đào tạo, học hành tại nước Nga. Với họ, nước Nga đã trở thành một phần cuộc sống và là ký ức đẹp đẽ không thể nào quên.
Nghệ sĩ Thanh Bạch: Ký ức không quên
Sáu năm học tại trường Trường Đại học tổng hợp Mátxcơva mang tên Lomonosov (MGU) của Nga, chuyên ngành Đạo diễn tạp kỹ đã cho tôi một nền tảng rất vững chắc về nghề nghiệp mà tới giờ, vẫn chưa sử dụng hết. Có được điều ấy là do 50% kiến thức thu nhận từ nhà trường, 50% còn lại được thu nhận từ chính thực tế cuộc sống. Hồi ấy, cứ cuối tuần, tôi lại đi xem nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Mátxcơva là một trung tâm văn hóa lớn, nên có rất nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế đến biểu diễn. Nhà hát lại có chế độ ưu đãi dành cho sinh viên, xuất diễn nào cũng có một số vé miễn phí cho sinh viên và tôi luôn là người đi sớm xếp hàng để có được tấm vé ấy. Xem rồi, thấy chỗ nào chưa hiểu thì hôm sau vào lớp hỏi thầy và được thầy phân tích ngay. Kiến thức từ thực tế ấy, cho tôi một nền tảng căn bản và tạo được những kỹ năng nghề nghiệp và hữu ích cho đến tận bây giờ. Tôi áp dụng kỹ năng ấy cho từng chương trình mình tham gia và gặt hái không ít thành công.
Hôm 20-10 vừa qua, tôi có chuyến du lịch sang Nga sau hơn 20 năm xa cách. Tôi có đến thăm lại trường xưa, tham gia chương trình văn nghệ của cộng đồng người Việt tại hai thành phố lớn của Nga là Mátxcơva và St.Petersburg, để gây quỹ “Trái tim cho em”. Cảm giác thật vui, thật hạnh phúc. Nước Nga luôn là ký ức đẹp đẽ và là kỷ niệm khó phai mờ trong tôi.
Ca sĩ Quang Lý: Ấn tượng đẹp
Tôi không được đào tạo tại Nga, nhưng tôi là một trong số ca sĩ có may mắn thường xuyên sang Nga biểu diễn, trong những chương trình giao lưu văn hóa giữa hai nước. Nhớ lần đầu tiên sang Nga biểu diễn, tôi hát ca khúc Nga Con chào mẹ. Lúc tôi hát, khán giả im phăng phắc đến độ tôi có thể nghe rõ tiếng nhịp tim của mình, nhưng khi bài hát vừa kết thúc, nhìn xuống dưới tôi thấy rất nhiều phụ nữ Nga khóc, sau đó khán giả vỗ tay nồng nhiệt không ngớt.
Khi chương trình kết thúc, tôi cùng anh em trong đoàn ra về bằng lối cửa sau, lúc ấy tôi thấy gần chục phụ nữ Nga ôm hoa chờ để tặng riêng cho tôi. Tặng xong, chị em còn ngỏ lời mời tôi về nhà dùng bữa cùng với gia đình họ. Anh Tấn Lộc, trưởng đoàn, cùng tôi đến nhà một nữ bác sĩ, vốn là cựu chiến binh trong chiến tranh vệ quốc. Chị mặc trang phục dân tộc rất đẹp, bưng một ổ bánh mì với chén muối mời tôi.
Anh Tấn Lộc cho biết, đó là tục lệ đón khách quý của người Nga. Chị bảo khi nghe tôi hát, không nhìn người hát, cứ nghĩ đó là một ca sĩ người Nga và chị thật sự ngạc nhiên, cảm động khi thấy có ca sĩ Việt Nam hát một bài hát Nga hay và truyền cảm đến thế. Tôi thầm nghĩ, tình cảm trên khắp thế gian này đối với mẹ đều giống nhau và vì thế tôi và chị ấy gặp nhau ở cảm xúc chung như vậy…
Nhà điêu khắc Trần Thanh Nam: Những người thầy đáng kính
Năm ấy, chúng tôi học ở Học viện Hàn lâm Mỹ thuật Quốc gia mang tên V.I.Surikov (trường có riêng một khoa dự bị dành cho sinh viên quốc tế). Cùng năm học dự bị với tôi có các bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Chúng tôi học tập các môn đặc thù mỹ thuật và tiếng Nga chuyên ngành. Với bộ môn tiếng Nga, điều khó khăn đầu tiên là phát âm, nói đúng trọng âm. Nhớ trong lớp lúc ấy có hai sinh viên Campuchia mới bắt đầu làm quen với tiếng Nga.
Một lần giữa giờ giải lao, chúng tôi tụ tập ngoài hành lang, lúc đó thầy trưởng khoa phụ trách sinh viên nước ngoài đi tới. Ông đứng lại trò chuyện với các sinh viên, bất ngờ anh bạn Campuchia rút gói thuốc lá ra trân trọng mời thầy và nói: “Ông là một con gà mái”. Chúng tôi trố mắt và cười ầm; anh bạn Campuchia miệng há hốc kinh ngạc, không hiểu vì sao mọi người lại cười. Trong khi, thầy trưởng khoa lại mỉm cười thật bao dung, rút điếu thuốc lá từ tốn nói: “Không, tôi không phải là gà mái mà là một con gà trống”. Mọi người càng cười lăn, cười bò khi chứng kiến vẻ mặt ngẩn ngơ của anh bạn. Mãi sau chúng tôi mới giải thích rằng: động từ hút thuốc là Kurit thì phải nói là Vưi kuritie là mời ông hút thuốc chứ không phải kurisha là… gà mái.
Sau đó, chúng tôi mỗi người mỗi ngả nhưng kỷ niệm xưa không hề quên được. Tôi học tại xưởng của Giáo sư Bandarenko. Ông đã từng giữ cương vị Chủ tịch Viện hàn lâm Mỹ thuật Liên bang Nga và tác giả của nhiều công trình tượng đài hoành tráng. Được học với “con người to lớn và uyên bác” này (biệt danh sinh viên đặt cho ông) là một vinh dự lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi vô cùng kính trọng và thậm chí có đôi chút sợ sệt. Nhưng, thật trái ngược, ông là một người rất nhân hậu, tận tâm và vô cùng gần gũi với sinh viên.
Một lần đến xưởng, ông gặp và hỏi tôi từ đâu đến. Khi biết tôi là người Việt Nam, ông bước tới ôm lấy vai tôi và nói rằng: “Đây là đồng chí tốt”. Một cử chỉ giản dị mà nồng hậu, ấm áp, làm tôi rất xúc động. Có lẽ những tâm hồn Nga, những người thầy Nga đáng kính, đáng yêu ấy đã để lại cho tôi những dấu ấn khó phai nhòa…
Như Hoa - Kim Ửng (ghi)