Ấn tượng đầu tiên về chàng nhân viên cơ điện này ngoài nét điển trai và nụ cười hiền, là cái ngập ngừng luống cuống dễ thương của dân kỹ thuật khi phải nói về bản thân mình. Nhưng nét ngập ngừng ấy hoàn toàn biến mất khi Thi nói về công việc. Đôi mắt anh sáng lên, phân tích từng sáng kiến mà anh cùng các anh em trong công ty đã thực hiện thành công mấy năm qua.
Với 6 sáng kiến, làm lợi cho công ty 9,5 tỷ đồng mỗi năm, đó là thành tích ấn tượng của chàng trai trong 4 năm qua. Những sáng kiến phục vụ cho sản xuất sản phẩm mới khiến công ty không phải đầu tư thêm máy móc, những sáng kiến triệt tiêu các lỗi trên máy, cải tiến các chi tiết máy để đạt công suất làm việc cao nhất, giảm hư hỏng. Cho tới nay, sáng kiến làm lợi nhiều nhất cho công ty là cải tiến bộ vòi rót và ngàm ép sản phẩm, làm hết hoàn toàn lỗi xì chảy cho túi nước giặt OMO 2,7kg được sản xuất trên máy VOLPACK, giúp công ty tiết kiệm được 3,4 tỷ đồng/năm.
Thi say sưa kể, năm 2016, khi xem xét các sản phẩm, anh và đồng nghiệp ghi nhận có hiện tượng xì chảy nước giặt tại vị trí mối ép túi, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Phân tích cơ cấu gây lỗi, độ nhớt của sản phẩm, anh phát hiện, nguyên nhân gây lỗi là cụm vòi rót, do chỉ có một lỗ rót, khi rót xuống với tốc độ cao, nước giặt bắn lên thành túi nên khi ép miệng túi thì gây ra hiện tượng xì chảy. Rất nhanh chóng vòi rót được nhóm anh cải tiến thành nhiều lỗ rót và ngàm ép được cải tiến thành ép nhiệt nóng. Cải tiến quan trọng này còn giúp những rắc rối kèm theo như nhân công xử lý hàng xì chảy, tổn thất nguyên liệu, bao bì, thời gian ngừng máy sửa lỗi… được khắc phục. Con số tiết kiệm 3,4 tỷ đồng/năm khiến ai nấy trong nhóm nghiên cứu đều vui sướng.
Không có sáng kiến là “đi lùi”
Sống ở thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), làm việc ở công ty tại Củ Chi, hàng ngày cứ hơn 6 giờ sáng, Thi ra khỏi nhà và làm tới 16 giờ thì tan sở. Nhưng có khi mấy ngày liền Thi ở lỳ trên công ty không về nhà. Đó là những khi máy móc gặp sự cố 2, 3 ngày vẫn chưa sửa được. Thử tưởng tượng, ở một nhà máy mà các dây chuyền hoạt động nhịp nhàng gần như 24/24 giờ, chỉ cần một khâu gặp sự cố, nhiều khâu sẽ dừng lại, hàng ùn ứ hoặc bị lỗi, nhân công không có việc làm, ảnh hưởng cả kế hoạch vận chuyển, giao hàng… Nó hoàn toàn khác với việc chủ động dừng dây chuyền theo kế hoạch để bảo trì định kỳ.
Thi chia sẻ, hiện anh được giao phụ trách 4 dây chuyền trong xưởng Home care, chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc gia đình như: nước giặt, nước rửa chén, nước xả vải, nước lau nhà… Đây là xưởng có sản lượng cao nhất trong 4 xưởng của Unilever đặt tại Củ Chi. Công việc của anh là đảm bảo 4 dây chuyền hoạt động tốt, giảm tổn thất, đạt hiệu suất cao nhất. Trong vô số những giấy khen do công ty trao tặng, anh tự hào nhất với giải thưởng năm 2017 “cho nhân viên xuất sắc có nỗ lực vượt bậc nhất năm, vươn xa hơn vai trò công việc của mình để mang lại những sáng kiến và dự án cải tiến thành công cho nhà máy”.
Có thời gian làm trưởng bộ phận, trực tiếp quản lý công việc của Thi nhiều năm, anh Trần Hoàng Vũ (hiện phụ trách bộ phận khác trong nhà máy) nhận xét Thi là người nhiệt tình và ham học. Anh Vũ kể, tại xưởng mỗi người sẽ được giao phụ trách những dây chuyền khác nhau. Nhưng với Thi, ngoài dây chuyền của mình, Thi còn rất nhiệt tình hỗ trợ các dây chuyền khác. Thi ham học, tốt nghiệp với chuyên môn là điện công nghiệp mà “việc gì cũng làm được hết”, kể cả lập trình cũng tự học và làm ngon lành. Từ sự nhiệt tình, ham học đó mà Nguyễn Chánh Thi có rất nhiều sáng kiến trong công việc.
“Trong ngành chúng tôi, nếu không có sáng kiến thì chẳng khác nào đi giật lùi. Những nhân viên sáng tạo như Thi giúp cho công ty ngày càng phát triển đi lên”, anh Trần Hoàng Vũ nói.