Viết tiếp bài: “Thấy gì đằng sau Vạn lý trường thành ở đồi Mộng Mơ, Đà Lạt?”

Biến ảo từ những hợp đồng tín dụng

Nhóm PV
Biến ảo từ những hợp đồng tín dụng

Trong những sai phạm có hệ thống ở Công ty Thành Ngọc (báo SGGP đã có bài phản ánh đăng ngày 7-8-2006), nổi cộm nhất là những sai phạm về tài chính. Nếu không được ngăn chặn, từ đây sẽ hình thành những tập đoàn “tài chính gia đình” đe dọa đến sự phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng thương mại.

“Mộng mơ tửu” chảy về đâu?

Biến ảo từ những hợp đồng tín dụng ảnh 1

Vạn lý trường thành ở đồi Mộng Mơ.

Nếu trong năm 2004, sai phạm của Thành Ngọc chủ yếu là việc lập 2 hệ thống sổ sách để giấu doanh thu thì năm 2005 được chuyển hướng sang sản xuất rượu lậu. Ngay từ năm 2004, người trong công ty đã quảng bá ồn ào về một loại rượu do công ty sản xuất có công hiệu “bổ dương”.

Trong năm 2005, công ty bắt đầu bán ra 2 sản phẩm rượu thuốc Bắc: “Mộng Mơ tửu” và “Mộng Mơ xanh” không có giấy phép sản xuất, không mở sổ theo dõi hạch toán chi phí sản xuất, kinh doanh rượu và số lượng bán ra. Đến thời điểm thanh tra, công ty chưa đăng ký nhãn mác hàng hóa theo quy định; không kê khai để trốn thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo một thành viên đoàn thanh tra, nhờ vào 3 hóa đơn mua rượu (nguyên vật liệu đầu vào) với số lượng lớn, đoàn Thanh tra đã phát hiện. Qua đấu tranh đơn vị mới chịu kê khai. Tổng số rượu đã sản xuất tới ngày 28-2-2006 là 56.400 bình (loại 0,5 lít) số rượu đã tiêu thụ là 54.580 bình, giá bán (đã có thuế GTGT) là 75.000 đ/bình. Chỉ riêng khoản sản xuất kinh doanh rượu này đã gây thất thu cho Nhà nước 546,26 triệu đồng.

Vay thật, thế chấp... giả

Người ta đã nói nhiều về vai trò “bà đỡ” của các ngân hàng trong phát triển kinh tế thị trường nhưng sự tham gia của ngân hàng Sacombank vào hoạt động của Công ty Thành Ngọc đã đặt ra nhiều vấn đề đáng nghi vấn.

Tính đến hết tháng 2-2006, tổng số tiền Thành Ngọc vay từ ngân hàng Sacombank là 15,8 tỷ đồng, dư nợ là 12,795 tỷ đồng. Trong đó, số tiền vay từ tài sản thế chấp gồm toàn bộ tài sản là các công trình đã đầu tư trên đất đồi Mộng Mơ bằng 5 hợp đồng tín dụng (HĐTD) là 13,95 tỷ đồng. Cho đến đầu năm 2006 công ty đã tự khai khống giá trị đầu tư xây dựng cơ bản lên đến hàng chục tỷ đồng trong khi sự thật là mới chỉ có hơn 4 tỷ đồng được đầu tư ở Đồi Mộng Mơ.

Rất nhiều HĐTD với Ngân hàng Sacombank không đảm bảo các quy định hiện hành của ngành ngân hàng như thẩm định, định mức cho vay, tài sản thế chấp, mục đích sử dụng vốn vay. Điển hình là HĐTD số 16779 (ngày 9-8-2004) vay của chi nhánh Sacombank Đồng Nai 5 tỷ đồng với tài sản thế chấp từ quyền sử dụng đất và tất cả công trình xây dựng trên đất tại khu du lịch (KDL) đồi Mộng Mơ nhưng không kê khai tài sản thế chấp.

Trong khi chi phí xây dựng cơ bản (XDCB) vào Đồi Mộng Mơ trong năm 2004 theo báo cáo quyết toán mới có hơn 932 triệu. Hay HĐTD số 3642 (ngày 29-11-2005) vay 2 tỷ đồng từ Ngân hàng Sacombank chi nhánh Lâm Đồng với tài sản thế chấp là cổ phiếu KS Ngọc Lan và cổ phiếu khách sạn (KS) Thắng Lợi để đầu tư công trình đường đi có mái che trong KDL Mộng Mơ và đến ngày 20-12-2005 đã giải ngân hết nhưng đến nay (tháng 8-2006) công trình chưa thi công còn tiền đã được Công ty Thành Ngọc đem đầu tư mua cổ phiếu?

Sử dụng vốn tín dụng sai mục đích?

Bằng cách đó, Thành Ngọc đã mua được một khối lượng lớn tài sản nhà nước bán đấu giá là: 60.420 cổ phần tại Nhà máy Chè Hà Giang (tương đương 10% tổng số cổ phần của nhà máy), 63.000 cổ phần của Nhà máy Chè 1-5 và 20% vốn điều lệ của KS Thắng Lợi (Nha Trang), 25% vốn điều lệ tại KS Ngọc Lan (Đà Lạt). Và ông Trần Mến đã nghiễm nhiên trở thành ông chủ tịch của 5 công ty cổ phần.

Sau đó, Công ty Thành Ngọc tiếp tục đem cổ phiếu chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán cầm cố tại Sacombank vay tiếp để tiếp tục đi mua tài sản các công ty nhà nước cổ phần hóa khác. Điển hình là HĐTD số 3825 ngày 26-1-2006 vay 1 tỷ đồng tại chi nhánh Sacombank Lâm Đồng từ tài sản thế chấp là cổ phiếu chưa niêm yết tại 2 đơn vị mới mua là Công ty CP chè 1-5 và Công ty CP Chè Hà Giang (Bảo Lộc).

Xin đề cập một chút về mối quan hệ gia đình của Công ty Thành Ngọc với ngân hàng Sacombank và hệ thống các công ty trong gia đình ông Đặng Văn Thành (Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank). Công ty Thành Ngọc thành lập ngày 25-7-2003, trụ sở số 5, Mai Anh Đào (Đà Lạt, Lâm Đồng) với tên đầy đủ: Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch, thương mại, sản xuất, xây dựng Thành Ngọc gồm 9 cổ đông sáng lập.

Trong đó, đăng ký vốn góp lớn nhất là ông Đặng Hồng Anh (con trai) và bà Huỳnh Bích Ngọc (vợ ông Chủ tịch HĐQT Sacombank). Tổng số vốn điều lệ của công ty là 14 tỷ đồng. Có phải do mối quan hệ gia đình chăng mà việc vay tiền rất dễ dàng? Và do vậy, với riêng Thành Ngọc không cần bỏ vốn họ vẫn hình thành nên một công ty với số tài sản hàng chục tỷ đồng? Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng đối với Ngân hàng Sacombank.

Nhóm PV

 

Tin cùng chuyên mục