
Tuy ngày càng “sành điệu” với cuộc sống hiện đại hơn nhưng nhìn chung thì học trò của Hà Nội vẫn giữ được mẫu “cổ điển” vốn có, đó là vẫn “áo trắng-xe đạp”.
“Áo trắng-xe đạp” ngày nào cũng từng tốp trong veo, ríu rít trên các con phố rợp mát để tới lớp. Và rồi khi tan trường “áo trắng-xe đạp” sẽ tranh thủ tụm lại dưới một góc cây rợp mát nào đó để thì thầm với nhau những “bí mật thơ ngây”, hoặc cũng có thể chỉ để cùng nhau uống một cốc nước sấu mát lịm và hứng lên thì bình tán về cái quả sấu đong đưa trong thơ ông Xuân Diệu. Các thế hệ học trò, các lứa học trò của Hà thành không ai bảo ai đều cứ thế cả.

Nữ sinh Hà Nội.
Sau nhiều năm xa Hà Nội sinh sống ở nước ngoài, người ấy trở lại. Buổi chiều nay người ấy lang thang dọc đường Phan Đình Phùng, bắt gặp tốp học trò áo trắng, quần xanh, ngồi túm tụm dưới gốc sấu, xe đạp dựng chúi vào nhau thành một đống. Bất chợt người ấy sống lại quãng thời ngây thơ hồn nhiên, thời “áo trắng-xe đạp” của mình.
Thế là người ấy cố tình bước chậm lại, bước thật chậm, tai thì giỏng lên “hóng hớt” câu chuyện của đám học trò nhốn nháo kia. Những câu chuyện không đầu không cuối, về các quán Nét, về cô giáo mới chuyển đến, về hoa rụng đọng thành từng vệt vô cùng quyến rũ và gợi cảm quanh mép nước của hồ Thuyền Quang, hồ Hoàn Kiếm, hồ Bẩy Mẫu, hồ Thành Công. Và rồi một “áo trắng-xe đạp” bâng quơ gợi ra rằng hôm qua vô tình tớ đọc thấy người ta viết ở quanh quẩn khu vực hồ Gươm hồi xửa hồi xưa đã từng có một vườn dừa rất đẹp.
Thế là cả bọn lại được dịp xôn xao bàn tán với các thắc mắc tại sao lại là dừa mà không phải loại cây khác, tại sao khu vườn ấy lại bị phá đi? Tiếc nhỉ? Giá mà còn thì hay biết mấy nhỉ? Mà chỗ của vườn dừa ấy ở đâu nhỉ? Câu hỏi đặt ra không cần trả lời mà chỉ để thỏa thuê cái trí tưởng tượng vậy thôi.
Không đừng được, người ấy xen vào nói rằng vườn dừa ngày xưa vị trí của nó chính là ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bây giờ. Đám “áo trắng-xe đạp” tròn xoe mắt quay nhìn người ấy mà quên mất rằng đây là kẻ đã nghe lỏm và xen ngang vào câu chuyện của bọn mình. Nhà chú ở gần đây à? Một “áo trắng-xe đạp” rụt rè hỏi. Người ấy trìu mến đáp: ừ, đã từng ở gần đây. Và cũng đã từng như các cháu bây giờ... Rồi người ấy bỏ đi rất nhanh, như trốn chạy ký ức, lẫn vào với những đốm nắng hoe vàng đan xen chíu chít trên hè phố giữa hai hàng sấu cổ thụ.
PHƯƠNG TÂN