Bà ngoại nói với dì Hà làm bữa cơm mừng Ty về và tiễn Su đi. Nói là bữa cơm nhà nhưng có tới 4 gia đình các con cháu. Mỗi tháng các gia đình nhỏ lại làm một bữa ăn theo tài nghệ của các bếp trưởng và chọn làm món ăn mà bà ngoại khoái khẩu. Những bữa ăn gia đình đầm ấm. Bữa nào nhà dì Út phụ trách là vui vẻ nhất. Tất nhiên người bận rộn và vất vả nhất là dì Hà, bởi vì dì Hà thích làm và có nhiều ý kiến chỉ đạo. Nói bữa cơm nào do nhà dì Út phụ trách vui vẻ vì có bé Quỳnh học nữ công gia chánh và đang là sinh viên khoa quản trị kinh doanh của một trường đại học.
Như mọi lần bữa ăn đang vui bỗng dì Út to tiếng với bé Quỳnh. Thì vẫn là chuyện học hành. Bé Quỳnh nói với mẹ “phải ở hoàn cảnh của con mẹ sẽ thông cảm”. Mẹ nói: “Làm sao thì làm nhưng phải phân bổ giờ giấc. Vấn đề là học nhiều và học giỏi”. Là đoàn viên năng nổ, nhiệt thành từ hồi còn là học sinh, hiện nay Quỳnh là Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Hoa Sen.
Gia đình dì Út có hai con, đứa nào cũng ngoan, học giỏi và dễ thương. Mẹ chồng mới qua đời, ba chồng bệnh nằm một chỗ mấy năm nay. Chú Phong chồng dì Út làm việc ở Ban Tuyên giáo Thành ủy nhiều việc và chăm sóc gia đình chu đáo. Dì Út là kỹ sư hóa công ăn việc làm cũng ổn định và gia đình không đến nỗi khó khăn.
Trong số cháu bà ngoại, không tính các cháu ở nước ngoài, bé Quỳnh là một trong những đứa bà thương nhất. Hồi nhỏ, bé Quỳnh nhẹ cân, người bé xíu không biết phát triển trí lực, thể lực ra sao, thế mà lớn lên xinh xắn, ngoan và học giỏi. Quỳnh thương bà ngoại và dì Hà. Tự hào về ba mẹ, nhất là ba. Có lúc hai mẹ con lời qua tiếng lại, ba là người phân giải, thường là với lời can ngăn cần thiết và không đứng về phe nào. “Thôi… mình nói chuyện gì vui đi” - Quỳnh ăn nói bình tĩnh.
Chú Phong biết lái chuyện. Chuyển sang chuyện thanh niên trường Quỳnh tổ chức chụp ảnh, không ngờ bữa đó “người mẫu” ăn khách nhất lại là bé Mê, cô em gái bé Quỳnh. Quỳnh ríu rít kể chuyện với giọng điệu của người chị gái, vui vẻ và không quên “công” của chị hai!?
Bé Quỳnh người nhỏ nhắn có đôi mắt to và sáng. Năm học lớp 12 Quỳnh đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Dạo ấy dì Út báo cho tôi biết. Tôi là vai anh đã có trên 40 năm tuổi Đảng, nên Út nghĩ tôi chia sẻ. Tôi thường đem chuyện Quỳnh vào Đảng nói với các con tôi và những người bạn bè chung quanh hàng xóm, trong chi bộ, rằng lớp trẻ ngày nay nhiều em cháu thích vào Đảng, rằng cháu vợ tôi mới học lớp 12 đã được vào Đảng!
18 tuổi là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam! Tự hào lắm chứ, trọng trách nhiều và nặng lắm chứ. Tôi nhìn cháu tôi với tầm mắt tin yêu và xúc động. Gia đình lớn, chúng tôi có thêm đảng viên trẻ có học, sung sức… mà phần tôi, tôi vững tin hơn, vì có đồng chí cháu.
Chi bộ tôi sinh hoạt thường rất nhiều ý kiến, day dứt, băn khoăn trong khâu phát triển, kết nạp đảng viên trẻ. Anh chị Tiệm vừa là hàng xóm vừa là người cùng sinh hoạt trong chi bộ, khi nói chuyện về thế hệ trẻ thường chia sẻ về công tác phát triển kết nạp đảng viên trẻ. Anh tâm sự: “Tôi có hai đứa con đều là đảng viên, anh có đứa cháu cũng là đảng viên, thế thì công tác phát triển kết nạp đảng của chúng ta tốt đấy chứ!”. Biết bao đảng viên - đoàn viên - trí thức trẻ đang phát triển cùng nhịp phát triển của đất nước là điều thật đáng khích lệ trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Ngô Phương Quỳnh, người đoàn viên - đảng viên từ học sinh tới sinh viên là con dì Út chú Phong, là cháu bà ngoại, là cháu gái của gia đình tôi, là thanh niên sống có lý tưởng, biết học tập và rèn luyện để trưởng thành…
Vũ Ân Thy