Ngày bé tôi xa nhà để lên thành phố học. Trường cách nhà khoảng hơn 30km. Mỗi thứ bảy cuối tuần, tôi về thăm mẹ, chủ yếu để… xin mẹ tiền trợ cấp. Mỗi lần cầm tiền lại vô tình chạm bàn tay mẹ. Bàn tay chai sạn vì vất vả và vàng vọt đặc trưng của người phụ nữ đồng chiêm trũng quê tôi. Tuy vậy tôi vẫn cảm nhận rõ mồn một hơi ấm từ bàn tay ấy. Ấm áp lạ thường. Bất giác tôi thầm nghĩ, bàn tay mẹ không đẹp mà gần gũi, có phần thô ráp, nhưng luôn chân thành từ chính tấm lòng của mẹ.
Rồi tôi tốt nghiệp. Ngụp lặn bươn chải tìm việc làm nơi phố thị phồn hoa. Sau những bon chen vất vả, giờ tôi đã có một gia đình ổn định và cuộc sống khá sung túc ở thành phố. Mẹ đã già nhưng không thể bỏ quê lên ở cùng con cháu được, dù tôi đã nhiều lần thuyết phục. Mẹ nói, mẹ rất thương vợ chồng tôi và cháu nhưng mẹ không thể rời bỏ làng quê được. Ở đó còn nhà cửa, phần mộ ông bà tổ tiên và tình làng nghĩa xóm gắn bó một đời với mẹ. Tôi biết mẹ nặng lòng với mảnh đất quê hương nên không nài ép nữa. Hằng tháng tôi vẫn đều đặn gửi tiền về phụng dưỡng mẹ.
Vừa rồi, nhân dịp giỗ ông nội, tôi đưa cả nhà về quê thăm mẹ, nhìn đồ đạc trong nhà vẫn giản dị và đơn sơ như ngày xưa, tôi không đành lòng dù biết mẹ vẫn quen với nếp sống dân dã.
Đưa mẹ thêm ít tiền để sắm mấy thứ khác và làm mâm cỗ mời họ hàng, tôi vô tình chạm bàn tay mẹ. đôi bàn tay gầy guộc, đầy vết đồi mồi chợt làm tôi đau nhói. hình như lâu lắm rồi tôi chưa cầm bàn tay mẹ. Hình như những người con thường mau quên tình cảm thiêng liêng của mẹ giữa bộn bề bon chen cuộc sống, và tôi cũng vậy. Nhưng hôm nay, ký ức ngày xưa chợt ùa về trong tôi. Ấm áp lạ thường.
HOÀNG THỊ GIANG (An Dương Vương, Q.5, TPHCM)