Hòn Rái nằm xa về phía biển Tây, to hơn Hòn Tre, nhưng chưa có cầu tàu. Một chiếc thuyền nhỏ ra đón chúng tôi đưa lên bãi cát. Hòn Rái là nơi làm nước mắm với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của nước mắm… Phú Quốc. Chỉ đi một đoạn đường ngắn trên đảo mà chúng tôi thấy rất nhiều nhà thùng.
Ngày xưa, dân Nam bộ chuộng ăn nước mắm hòn thì không phải chỉ là nước mắm sản xuất tại đảo Phú Quốc mà kể cả nước mắm làm tại các đảo biển Tây như Hòn Rái. Ca dao Nam bộ có câu: Con cá cơm ngon hơn con cá bẹ / Bởi mê nước mắm hòn em trốn mẹ theo anh... Chúng tôi hôm nay cũng “trốn” cuộc sống thị thành ít hôm để mà ra đảo…
Theo truyền thuyết, Hòn Rái có tên do trên đảo xưa có nhiều cây dầu rái, loại cây cho nhựa để xảm thuyền và quét lên vỏ thuyền chống nước biển rất tốt. Đảo còn có tên chữ là hòn Lại Sơn, dùng trong giấy tờ hành chính từ xưa, chắc là “phiên âm” từ chữ (núi) Rái. Hòn Rái có nhiều bãi, như Bãi Nhà, Bãi Giếng, Bãi Thiên Tuế…, dân cư sống đông đúc, là nơi đậu thuận lợi cho tàu cá và có nhiều dịch vụ cho nghề biển. Tuy nhiên, khách du lịch ít ra tới đây nên lúc chúng tôi đến, trên đảo chưa có khách sạn.
Từ Bãi Nhà, có trụ sở ủy ban xã, ra Bãi Giếng, có chợ chính và sân bóng… là một con đường đèo lên xuống dốc với những cục đá lồi lõm nhưng xe ôm cứ chạy vèo vèo lại qua như mắc cửi. Các tay lái xe bảo mùa mưa con đường này trơn trợt rất khó đi. Ban đêm, xe cứ lao vun vút, bên là núi, bên là vực biển, lúc xe lên dốc, lái xe xuống ga sang số thì đèn xe vụt giảm sáng, cảnh vật trước mặt chỉ còn mờ mờ. Nhưng cánh lái trẻ thuộc lòng từng mét đường trấn an khách: Yên tâm đi, qua bên kia vui lắm. Mà vui thật, sau đoạn đường thót tim, hơn tám giờ tối chợ vẫn nhóm họp.
Giữa hai bãi dân cư đông đúc này có Bãi Đá Bàn. Bãi đá nhẵn thín, mỗi phiến rộng như một mặt sân chạy dài nhấp nhô khắp bãi biển, cảnh tượng thật hùng vĩ và đẹp tuyệt. Nhưng cảnh đẹp nhất, quí nhất ở Hòn Rái có lẽ là Bãi Bàng. Chúng tôi đi thuyền ôm quanh hòn đảo để ra tới đó. Trên đường, chúng tôi nhìn thấy nhiều em bé ra gộp đá ngồi câu, vài anh thanh niên xách cua men theo ghềnh đem ra chợ bán. Tình cờ một người câu cá dọc gành vừa về qua, trong giỏ có cả cá mang ếch, cá mú… (những loại cá ngon nổi tiếng), được vài ba ký. Chúng tôi mua ngay, gom tàu dừa khô nướng lên. Cá cháy chỗ hồng chỗ đen lam nham, mùi thơm sực nức, bày ra bên ghềnh đá mà nắng mưa sóng gió hàng triệu năm đã gọt giũa thành những tác phẩm có hồn. “Ngư phủ” cũng chẳng khách sáo gì, xé cá cùng ăn với chúng tôi!
Tôi từng tắm nhiều bãi biển, từ Trà Cổ, Sầm Sơn, Đồng Đế… đến Long Hải, Ba Động, Mũi Nai,… nhưng chưa nơi nào mà bãi hoang sơ và cảnh tuyệt đẹp như ở đây… Những tảng đá đủ mọi hình thù, từ hình cá, hình cóc đến hình thú, hình người, có tảng giống hình đôi nam nữ ôm chầm lấy nhau, nàng như từ xa bơi qua ngàn trùng sóng nước đến ôm chặt cổ chàng, mái tóc dài còn đang dập dờn trên sóng… Nước biển màu lục xanh ngăn ngắt, trong vắt đến độ nhìn rõ những hạt cát vàng và những vỏ ốc đẹp không người nhặt dập dờn dưới làn nước sâu. Sóng đập vào đá tung bọt trắng xóa. Bãi cát chạy dài heo hút, với những hàng dừa xõa tóc trong gió lộng, thấp thoáng mái nhà tranh.
Tôi có cảm giác mình như cô gái, từ xa bơi qua ngàn trùng sóng nước đến ôm chặt cổ người yêu, và cả bộ não của mình đang được tắm rửa sạch sẽ, sạch đến mức mọi lo âu, toan tính đều được nước biển trong vắt gội sạch làu làu…
TRẦN THANH GIAO