Bà tiên

Kết thúc ngày tổng kết cuối năm học, tôi ôm một chồng tập - phần thưởng mà nhà trường trao tặng cho những học sinh có thành tích tốt - bước đi trên con đường vắng vẻ. Phần thưởng nặng trĩu trên tay, đôi giày có gót hơi cao làm chân tôi đau nhói. Tôi thấm mệt sau một quãng đường dài đi bộ từ trường về đây, lòng không khỏi ấm ức vì ba mẹ đã không đến đúng giờ để đón tôi như thường ngày.
Bà tiên

Kết thúc ngày tổng kết cuối năm học, tôi ôm một chồng tập - phần thưởng mà nhà trường trao tặng cho những học sinh có thành tích tốt - bước đi trên con đường vắng vẻ. Phần thưởng nặng trĩu trên tay, đôi giày có gót hơi cao làm chân tôi đau nhói. Tôi thấm mệt sau một quãng đường dài đi bộ từ trường về đây, lòng không khỏi ấm ức vì ba mẹ đã không đến đúng giờ để đón tôi như thường ngày.

Tranh minh họa: Thanh - Kim

Tranh minh họa: Thanh - Kim

Nhà tôi đã ở trước mắt, tôi đút chìa vào ổ khóa cửa nhưng tay tôi không tài nào mở được. Có tiếng trẻ con:

- Ớ…ơ…a…a…á…

Lại là những âm thanh vô nghĩa, nếu như đó là tiếng kêu của một đứa nào đó trong lớp khi đang ngáp ngủ thì tôi sẽ cười ồ lên cùng lũ bạn và tìm một trò nào đó để trêu chọc, nhưng bây giờ thì không được, không thể làm thế… Vì đó là em, dường như em không nói được nhiều hơn thế là bao nhiêu ngoài vài từ kêu ba, gọi mẹ…

Tôi đã nghe em kêu như thế nhiều, rất nhiều lần. Những khi đang học bài mà bị quấy rối, tôi rất bực mình nhưng tôi cũng không quan tâm nhiều vì biết đó là âm thanh phát ra từ một đứa bé tật nguyền vừa bị teo một chân, vừa không biết nói. Em vốn là con của người phụ nữ sửa đồ cũ bên kia đường.

Ba em là một người đàn ông trung niên. Tôi cũng chẳng biết ông làm công việc gì, chỉ biết ông bị tật một chân, do tai nạn, do bẩm sinh hay do một căn bệnh quái ác nào tôi cũng không rõ. Không biết đó có phải do di truyền hay không mà em cũng bị tật một chân, nhưng trớ trêu hơn, em không nói được nhiều và thần kinh em cũng không như người bình thường. Ba em cũng đang có mặt cạnh người vợ của mình - một phụ nữ ốm yếu và tần tảo làm nghề sửa quần áo cũ - đang khổ sở khiêng cái máy may vào một góc mà không tài nào ông giúp được. Làm sao giúp được với đôi chân… Ánh mắt của một người đàn ông vô dụng, tật nguyền không giúp được vợ một công việc rất dễ dàng mang đầy vẻ xót xa.

Mẹ em là một người phụ nữ biết hy sinh và không hề cam chịu. Một mình nuôi bốn miệng ăn chỉ bằng công việc sửa quần áo dưới hiên ngôi nhà đối diện nhà tôi. Cắt, tháo, may vá… bà đều ngồi làm ở cái góc đó suốt từ sáng sớm đến chiều tối. Bà chỉ nghỉ ngơi khi đến bữa ăn hoặc khi em và ba em đến chơi, dù đó là khoảng thời gian ngắn ngủi.

Chị em thì tôi có biết, chị khoảng hơn tôi vài tuổi, giúp việc cho nhà hàng bên cạnh. Có hôm tôi đứng trước cửa đợi ba chở đi học, bắt gặp chị đội mưa đi mua bánh mì cho một bữa tiệc dở dang trong một căn phòng ấm áp ở tít trên những tầng lầu kia.

Tôi đã vào nhà nhưng vẫn quan sát em hồi lâu. Em đang đùa vui ngay trước mặt tôi, ngây thơ và hồn nhiên như bất cứ đứa trẻ ở tuổi học tiểu học nào. Em đang mặc đồng phục, áo trắng, quần xanh và khăn quàng đỏ phất phới trên vai. Người chị dắt em đi dọc trên đường dù em đi tập tễnh, không vững vàng. Chắc cũng vì vắng khách nên chị mới có thời giờ chơi với em như thế.

Khuôn mặt em sáng sủa, nụ cười rất tươi, em chạy tập tễnh mà tôi cứ mường tượng em đang nhảy chân sáo. Em thích thú nhặt những cánh hoa điệp vàng dưới chân, cười toe toét rồi mang khoe chị, khoe mẹ. Nhưng bà mẹ chỉ nhìn thoáng qua rồi cười, dù là rất khẽ. Nhưng em cũng không để ý, lại chạy đi chỗ khác.

Con chó xù của ngôi nhà có cái hiên mà mẹ em thuê để có chỗ may vá, nó sủa rộ lên khi thấy em nhưng em không sợ, em hét lên khi con chó vừa sủa dứt. Rồi con chó lại sủa, em lại hét, em lại tiếp tục “cãi nhau” với con chó hồi lâu. Rồi em nhìn thấy tấm áp phích dán trên tường, quảng cáo về vở kịch thiếu nhi  “Cô bé Lọ Lem” có ảnh các nhân vật trong vở diễn, em cười chỉ cho chị thấy và gọi to:

- Bà tiên.

Thì ra em cũng biết nói  cái từ bà tiên. Chắc là em đã nhiều lần nghe mẹ và chị kể chuyện cổ tích nên nhớ. Em mừng rỡ đến thế sao? Em hiểu thế nào là bà tiên không nhỉ? Nhưng trong cuộc sống hiện tại này, tìm đâu thấy một bà tiên cho em, một bà tiên xuất hiện bất cứ lúc nào để giúp đỡ những người bất hạnh như em?

Tôi có một gia đình đầy đủ, ba là nhà báo, mẹ là giáo viên, anh trai đang học đại học, gia đình yêu thương tôi, tôi học giỏi, bạn bè quý mến nhưng tôi vẫn chưa hài lòng, vẫn mong muốn nhiều thứ. Có lần, cô giáo hỏi cả lớp ước mơ những gì, bạn bè lớp tôi đã rất hào hứng nói lên mơ ước của mình. Còn em bé tật nguyền, em có thể ước mơ không? Có khi em còn chẳng biết mơ ước là gì nữa…

Mẹ của em đã may xong một chiếc áo được kết lại bằng những mảnh vải vụn nho nhỏ, đủ sắc màu có hình tam giác và ướm thử vào người em. Em hớn hở, cười toe toét trước ánh mắt hạnh phúc của người mẹ… Tôi chợt ngẩn ngơ - mẹ em có khác chi một bà tiên…

Mai Hoàng Bảo Trân

Tin cùng chuyên mục