Mẹ và trường làng

Mẹ và trường làng

Không biết ngôi trường làng có từ hồi nào mà khi lớn lên tôi được mẹ nắm tay dắt đến xin cho vào học lớp năm (tên gọi lớp 1 trước giải phóng). Tuổi thơ tôi chỉ nhớ trường làng là mái nhà tôn rộng chừng 50m² được cất dưới tán cây cao su, bàn ghế được ghép từ mấy miếng ván thông và tầm vông, xung quanh trét vách đất nhồi rơm, trường tôi học không có tên cụ thể mà bà con gọi theo tên cô giáo dạy học: Trường cô Nga bởi một lẽ chỉ có một ấp chiến lược của xã Trung Lập, Củ Chi mà có ba trường tư, nên bà con gọi vậy để phân biệt với trường thầy Lùn, trường thầy Điếc.

Tôi nhớ hoài hình ảnh khi mẹ tôi dắt tôi đến trường giao tôi cho cô giáo xong lặng lẽ đội nón lá ra về, tôi chưa kịp khóc gọi mẹ ở lại chờ thì cô giáo nắm tay tôi dắt vào phòng xếp chỗ tôi ngồi ngay bàn đầu, bảo tôi mang vở lên bàn cho cô viết chữ dạy tập đọc, vâng lời đem tập lên cô viết ba chữ a, b, c và cô dạy đọc vài bận a, bê, xê là tôi thuộc được mặt chữ, cô lại bảo bây giờ cô viết bằng bút chì để tôi lấy bút mực tập đồ theo, phải nói là tôi rất khó khăn khi cầm bút ngòi viết lá tre chấm vào bình mực tím rồi từ từ mím môi, gồng tay đồ theo nét bút chì mà cô viết mẫu, chữ thì xiêu vẹo đã vậy lại lấm lem, có chỗ vây vài giọt mực tím tôi không biết làm sao loay hoay tìm giấy chậm thì có anh học trước tôi bảo tôi khum xuống nền phòng học hốt nhúm cát nhuyễn rắc lên trang vở chờ khô dùng ngón tay búng vài cái cát rớt là mực hết lem, tôi làm theo và mừng rỡ khi thấy đúng như vậy.

Ngày học đầu tiên tôi chỉ đọc được ba chữ a, b, c và cách làm mực mau khô từ việc rải cát lên trang vở mới vừa viết xong, còn tay và vạt áo dính đầy mực tím. Mấy ngày sau tôi mới biết thêm trong lớp cô Nga dạy từ lớp năm đến lớp nhất (tên gọi từ lớp 1 đến lớp 5 trước giải phóng) cô tất bật chia bảng đen ra làm hai, ba phần ghi bài tập cho các anh chị lớp lớn làm, lớp nhỏ thì tập đọc, tập viết, tập vẽ, khi lớp này đọc đồng thanh bài học thuộc lòng là lớp khác trật tự học bài, cũng có lúc cô bảo các anh chị lớp lớn dạy học sinh lớp nhỏ nhất là tập đánh vần và cầm tay cho viết. Và việc học của bọn trẻ chúng tôi cứ như vậy diễn ra hàng ngày, hàng tháng, hàng năm cho đến khi cô bảo lúc này em nọ, em kia học “cứng” và tiến bộ rồi bắt đầu ngày mai được lên lớp trên học nghen, học trò nghe được lên lớp ai mà không thích.

Tôi không hiểu lúc đó cô giáo trường làng dạy lớp gần một trăm học trò, trong lớp đủ trình độ người học trước dạy kèm người học sau, cũng không thấy thi cử mà học trò vẫn học được, cô vẫn dạy được, cũng không hề có khái niệm ngày tựu trường, ngày nghỉ hè nhưng có lẽ lúc đó việc học của học trò rất tự giác và cố gắng nhiều một phần học trò rất sợ thầy cô giáo đánh đòn mỗi khi học trò lêu lổng, không thuộc bài hay chỉ đơn giản là bạn bè thưa với cô trên đường đi học mình thấy người lớn mà không khoanh tay cúi đầu chào, hình phạt thường là khẻ thước kẻ vào tay hay nằm dài trên bàn học cô lấy roi mây đánh mạnh vào mông có khi hà khắc hơn là phạt quỳ gối trên vỏ xơ mít hai tay dang ngang mà trên mỗi tay cầm viên gạch thẻ.

Tôi nhớ hoài tiết học cuối ngày thứ bảy có xét vệ sinh hai tay, tay dơ bị đòn đau mà không dám khóc, lúc đến giờ đó không ai bảo ai học trò phun nước miếng vào hai tay rồi cố kỳ cọ cho sạch để khỏi ăn đòn còn khi cô giáo phát hiện ai ở dơ tay, chân, cổ đóng hòm là cô bắt tắm với nước đá pha sẵn trong chiếc lu lớn và cho đến ngày giải phóng tự dưng trường cô Nga giải thể hồi nào không rõ lũ học trò chuyển học trường công nhiều nơi trong huyện.

Bây giờ đã là 42 năm trong tôi vẫn nhớ rõ như in vào buổi sáng đẹp trời mẹ tôi một tay xách cái cặp bàng một tay dắt tôi đến chào cô xin học, nhớ giờ ra chơi chúng tôi bày những trò chơi như: đánh cù, u bắt mọi, đánh gồng, đá dế, đánh trận giả huyên náo cả góc sở cao su và những lần bị đòn roi vào mông đến ứa máu của cô giáo khi không thuộc bài mà về nhà không dám nói với mẹ.

Bây giờ mẹ đã đi xa. Cứ mỗi mùa Vu Lan rằm tháng bảy hàng năm, trong tâm thức tôi lại quay quắt “Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm”…

TRẦN VĂN TÁM (Củ Chi - TPHCM)

Tin cùng chuyên mục