Người thầy đầu tiên của tôi

Thuở nhỏ, tôi đi học ở trường làng, rồi đi bộ đội đánh giặc và được quân đội cho đi học 3 năm tại trường Thiếu sinh quân - một trường đào tạo sĩ quan thuộc Quân khu 4. Chúng tôi rất kính yêu và quý mến các thầy cô của mình. Nhưng tôi vẫn yêu quý và có nhiều kỷ niệm nhất với người thầy đầu đời, đó là thầy Trần Thông Cảm.

Thuở nhỏ, tôi đi học ở trường làng, rồi đi bộ đội đánh giặc và được quân đội cho đi học 3 năm tại trường Thiếu sinh quân - một trường đào tạo sĩ quan thuộc Quân khu 4. Chúng tôi rất kính yêu và quý mến các thầy cô của mình. Nhưng tôi vẫn yêu quý và có nhiều kỷ niệm nhất với người thầy đầu đời, đó là thầy Trần Thông Cảm.

Thầy Cảm dạy chúng tôi từ lớp vỡ lòng cho đến lớp 3. Thầy gọi học trò bằng em và xưng anh, yêu quý học sinh như anh em ruột thịt trong nhà. Học sinh của thầy đều là con cháu những người nông dân trong làng Thượng Trạch, cái làng nhỏ bé ven biển thuộc huyện Triệu Phong rất nghèo, có nhiều người theo cộng sản.

Hồi đó mới học lớp ba mà tôi đã thích đọc sách. Còn đọc trộm sách của người anh như Hồn bướm mơ tiên, Trời sáng trăng suông, Đồi thông hai mộ… Mỗi lần học sinh ra chơi mười lăm phút, tôi trốn vào một góc đọc sách rồi khóc thút thít. Anh Cảm giữ lấy sách và cấm tôi không được đọc sách của người lớn. Tuy thế, anh vẫn khen tôi học giỏi và hay cho tôi lên bảng viết mẫu và đọc bài mẫu.

Một hôm anh gọi tôi lên đọc trả bài học thuộc lòng. Tôi đang đọc làu làu thì thấy cả lớp nhốn nháo. Có đứa kêu lên: “Lính tới! Lính tới”.

Anh Cảm nhìn ra đường thấy lính đứng chặn ngang trước cổng nhà mình, mặt biến sắc. Anh nói: Các em cứ ngồi yên. Rồi anh lẻn ra cửa sau. Nhưng lính đã chặn cửa bếp, luồn ra sau vườn bắt, trói và đánh anh. Chúng tôi sợ quá ngồi ôm nhau khóc. Bọn lính vừa đấm đá anh, lục tung mọi nơi và hỏi: “Mày giấu truyền đơn, giấu cờ cộng sản ở đâu mang ra ngay không thì chết?”.

Thấy học trò ngồi khóc, anh Cảm nói: “Cho các em về. Còn Tấn ở lại giữ nhà, chờ bà nghe em”. Bọn lính dòng dây kéo anh ra đường, bắt anh chạy bộ theo bọn lính ngồi trên các xe kéo. Anh không kịp chờ mẹ đi chợ chưa về.

Từ ngày đó cho đến cuối năm 1944, anh mới trở về làng, ẩn nấp dưới mấy ngôi mộ ngoài động cát sau làng. Anh báo Mừng, bạn học của tôi nhắn tôi ra cho anh thăm. Anh nói: “Nhật đã lật đổ Pháp, Việt Minh sắp đánh cả Nhật, cả Pháp để giành độc lập. Các em giúp anh đi rải truyền đơn trên Ba Bến và các con đường, các làng ven thị xã Quảng Trị”.

Tháng 8-1945, anh cùng người làng tôi và các làng trong xã kéo lên tỉnh cướp chính quyền. Từ sau ngày cách mạng thành công, anh ở lại trên tỉnh làm trong ban lãnh đạo Việt Minh tỉnh. Còn tôi rời làng nội vào làng ngoại trong Huế rồi đi bộ đội. Mãi đến năm 1948, trên đường đi bộ từ chiến khu Ba Lòng ra Thanh Hóa học trường Thiếu sinh quân, tôi lại được gặp anh Cảm ở chiến khu Thủy Ba, lúc này anh làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh.

Thầy trò ôm nhau mừng khôn xiết. Anh tìm cả túi quần, túi áo gom lại được hơn chục đồng bạc Cụ Hồ trao cả cho tôi và nói: “Hồi xưa, anh cấm em đọc tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, bây giờ em lớn rồi, cứ theo sở thích của mình, cố gắng mà học cho giỏi, đọc cho nhiều. Anh hy vọng sau này em trở thành một văn sĩ. Em sẽ viết lại chuyện làng mình đã làm cách mạng, đã đánh đuổi giặc Pháp như thế nào… Người làng mình đi theo cách mạng làm đủ mọi nghề, mọi ngành phục vụ kháng chiến nhưng chưa có ai thành văn, thi sĩ”.

Nghe lời anh, tôi cố gắng học tập. Ở vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh, chúng tôi được các thầy cô dạy dỗ tận tình, chúng tôi được học đến nơi đến chốn, được đọc rất nhiều và trong những học sinh cùng lứa tuổi tốt nghiệp ra trường, tỏa ra các mặt trận đi chiến đấu. Những đứa say mê văn học chúng tôi vừa chiến đấu vừa viết lách và đều trở thành nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Cửu Thọ, Thái Giang, Phùng Quán…

Tôi được gặp lại người thầy đầu tiên của mình ở quận 5, TPHCM, lúc này anh Cảm đã nghỉ hưu với 60 năm tuổi Đảng. Tôi đưa tặng anh những cuốn sách tôi đã viết về quê hương Bình Trị Thiên kháng chiến. Anh ôm lấy tôi, xúc động nói: “Cảm ơn em đã nghe lời thầy”. Tôi cũng ôm xiết tấm thân gầy gò của anh, nghẹn ngào chỉ nói được mấy tiếng: “Em xin cảm ơn thầy…”.

Nhà văn Trần Công Tấn

Tin cùng chuyên mục