Tại hội thảo, ông Trần Quốc Khánh, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao cho biết, TP Hội An cần tiếp tục triển khai các phương án để khai thác đi đôi với gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản quý giá của Hội An; cải thiện hệ thống giao thông, hạ tầng và các tiện ích công cộng như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng...
Ngoài ra, Chính quyền Hội An cũng cần rà soát, chấn chỉnh lại môi trường du lịch đang nảy sinh nhiều tiêu cực như chèo kéo, cướp giật, ô nhiễm môi trường… để tạo dựng môi trường an toàn và thân thiện trong mắt du khách.
“TP Hội An cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làm cho người dân thực sự trở thành chủ nhân của di sản. Ngoài ra, Hội An cần số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết về di sản, bao gồm các công trình kiến trúc, lịch sử phát triển, các tập quán, truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư. Hội An có thể tranh thủ sự hỗ trợ của UNESCO về mặt chuyên môn; mời các chuyên gia UNESCO giúp tư vấn về cách thức thực hiện và gợi ý giải pháp cho các vấn đề dân sinh”, ông Trần Quốc Khánh nói.
Tính đến năm 2018, toàn TP Hội An có 1.408 di tích đã được kiểm kê phân loại, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh, 1.334 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Riêng khu phố cổ có 1.130 di tích, trong đó có 9 di tích đơn lẻ được xếp hạng cấp quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh. |
Tuy nhiên, Hội An hiện đang đối mặt với những thách thức: áp lực về dân số, mật độ và thành phần dân cư, sự thay đổi chủ sở hữu các ngôi nhà cổ trong đô thị tăng nhanh, sự gia tăng lượng khách du lịch… làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của DSVH, của cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích và các quan hệ xã hội, gia đình.
Ngày 4-12-1999, Khu đền tháp Mỹ Sơn chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, đồng thời cũng mở ra thời kỳ tăng tốc du lịch. Qua 20 năm kể từ khi trở thành di sản văn hóa của nhân loại, phát triển du lịch Mỹ Sơn không ngừng tăng cao.
Nếu năm 1999 chỉ khoảng 3.000 lượt khách du lịch đến Mỹ Sơn, thì năm 2018 trên 350 nghìn lượt khách đã đến tham quan khu di sản này, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt gần 60 tỷ đồng.
Dù vậy, phát triển du lịch Mỹ Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sẳn có; chất lương dịch vụ chưa đa dạng; công tác quảng bá còn hạn chế... Đặc biệt, tuy đón 350.000 lượt khách mỗi năm nhưng con số trên vẫn khá khiêm tốn so với gần 5 triệu lượt khách đến Hội An hay 6,5 triệu lượt khách đến Quảng Nam (năm 2018).