Trong bức thư ngày 14-8 gửi các nghị sĩ hàng đầu ủng hộ châu Âu và có quan điểm ôn hòa, lãnh đạo Công đảng đối lập chính ở Anh, ông Jeremy Corbyn, đã hối thúc quốc hội tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của ông Johnson và chỉ định một người thay thế Thủ tướng Johnson, đồng thời lưu ý tới hậu quả kinh tế của một kịch bản Brexit không thỏa thuận. Nhà lãnh đạo Công đảng cũng đã tự đề cử bản thân giữ vai trò lãnh đạo một chính phủ tạm quyền có “giới hạn thời gian”, với 2 mục đích kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử và kéo dài thời hạn Brexit cần thiết để đảm bảo Anh rời khỏi EU cùng với thỏa thuận.
Những tuyên bố của lãnh đạo Công đảng đối lập cho thấy quan điểm khác biệt với Thủ tướng Johnson - người chủ trương Brexit bằng mọi giá vào ngày 31-10 tới, kể cả trường hợp không kèm theo thỏa thuận. Trước đó, ngày 14-8, trả lời qua Facebook trong phiên hỏi đáp People’s PMQs, Thủ tướng Johnson cho rằng một số nghị sĩ Anh phản đối Brexit đang “cộng tác” với EU, nhằm buộc Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận. Ông cũng không loại trừ khả năng sẽ đình chỉ hoạt động của Nghị viện Anh làm việc trở lại vào tháng 9 tới nếu cản trở tiến trình này.
Tuy nhiên, hiện chính phủ của ông Johson đang có thế đa số rất mong manh, với chỉ 1 phiếu quá bán tại Nghị viện Anh. Thế bế tắc càng tiếp tục kéo dài thì một Brexit không thỏa thuận càng có khả năng xảy ra. Trong tình hình này, một số chuyên gia tin rằng kịch bản Brexit không thỏa thuận vẫn chưa được hoàn toàn bộc lộ hết những ảnh hưởng tiêu cực của nó lên đồng bảng Anh, đồng nghĩa với việc đồng tiền này sẽ còn giảm thêm khi thời hạn Brexit đến gần hơn, sau khi giá trị đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua. Nhiều người lo ngại rằng bảng Anh có thể xuống ngang giá với đồng EUR hoặc còn thấp hơn, thậm chí ngang giá với USD khi Brexit chính thức diễn ra.
Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này đã giảm từ 1,8% trong quý 1 xuống còn 1,2%, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2018. Nhà kinh tế học kỳ cựu Mike Jakeman của Công ty Kiểm toán PwC cho rằng khủng hoảng Brexit và viễn cảnh bất ổn toàn cầu sẽ khiến kinh tế Anh “đứng ngồi không yên” trong quý 3. Tăng trưởng hàng năm chỉ tính riêng tháng 6 của Anh là mức thấp nhất từ sau mức 1% của tháng 8-2013.
Và lúc này, London đang hy vọng vào khả năng đạt được thỏa thuận thương mại song phương tạm thời với Mỹ, bao trùm mọi lĩnh vực, và có thể có hiệu lực khoảng 6 tháng, sau cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss ngày 13-8 tại London. Một thỏa thuận thương mại rộng với Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Anh, luôn được phe ủng hộ Brexit nhắc đến như một “phần thưởng” lớn của Anh khi rời khỏi EU và được coi là công cụ bọc lót cho London trong trường hợp chịu thiệt hại vì gián đoạn thương mại với các thành viên EU.