
- Trưa nay có thể đổ bộ vào quần đảo Trường Sa

Hàng trăm bộ sách học trò bị ngâm trong nước lũ. Ảnh: M.H.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, chiều tối qua (20-11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 8,8 đến 9,8 độ vĩ Bắc; 118 đến 119 độ kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (khoảng 50 - 61km/giờ), giật trên cấp 7. Dự báo, trưa và chiều nay (21-11), ATNĐ có thể đổ vào quần đảo Trường Sa. Trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão TƯ chiều qua, Giám đốc Trung tâm Dự báo KT-TV TƯ Bùi Minh Tăng cho rằng, ATNĐ này có những diễn biến hết sức phức tạp, di chuyển nhanh và có nhiều khả năng mạnh lên thành bão và đổ bộ vào các tỉnh Nam bộ trong 1, 2 ngày tới. Khu vực nguy hiểm được xác định từ phía Nam quần đảo Hoàng Sa trở xuống, trong đó khu vực đặc biệt nguy hiểm là quần đảo Trường Sa. Cùng với ATNĐ này, một ATNĐ khác mới hình thành trong cùng một khu vực. Hai áp thấp này có khả năng cộng hưởng vào nhau, nên diễn biến của nó sẽ cực kỳ phức tạp và nguy hiểm.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, nếu cơn bão đổ bộ vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì nhiều khả năng sẽ gây ra những thiệt hại lớn. Bởi vì, khu vực này đang mùa đánh bắt cá, hiện có rất nhiều tàu thuyền đang hoạt động. Nhà cửa ở khu vực này thường là nhà lá, chỉ chịu đựng được gió cấp 6. Đặc biệt là kinh nghiệm chỉ đạo phòng chống lụt bão ở đây yếu, đồng bào chủ quan với bão vì hàng chục năm qua, ở khu vực này không chịu ảnh hưởng của gió bão.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tới công tác dự báo sít sao diễn biến của ATNĐ và thông tin kịp thời tới bà con ngư dân. Phó Thủ tướng đồng thời cũng nhấn mạnh tới công tác chuẩn bị sẵn sàng đối phó với ATNĐ lần này. Khu vực ĐBSCL ít khi có gió bão nên càng phải đặc biệt chú trọng tới công tác thông tin và chuẩn bị để đối phó. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban ngành có liên quan phải gọi ngay tất cả tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm vào bờ và cấm tàu thuyền ở đất liền ra khơi hoạt động; đồng thời lập tức rà soát lại nguồn dự trữ quốc gia về lương thực, thực phẩm, thuốc men, áo phao cứu hộ, để sẵn sàng phương án đối phó nếu có tình huống xấu xảy ra.
L.V.
- Báo SGGP trao 10.000 cuốn vở cho học sinh vùng lũ
Món quà cảm động nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Đại diện Báo SGGP và lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Đại Lộc, Quảng Nam trao vở cho các em học sinh Trường Tiểu học Đỗ Văn Quả. Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Ngày 20-11, Báo SGGP tại miền Trung tiếp tục hành trình chia sẻ khó khăn với đồng bào bị lũ lụt miền Trung khi đến với những em học sinh, giáo viên vùng rốn lũ Đại Lộc (Quảng Nam). Tại đây, đại diện báo đã trao 10.000 cuốn vở cho các em học sinh của 5 trường tiểu học: Trương Đình Nam (xã Đại Hưng), Nguyễn Văn Bổng, Ngô Quang Tám (xã Đại Lãnh), Đỗ Văn Quả, Nguyễn Thái Quý (xã Đại Cường).
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục huyện Đại Lộc, lũ lụt vừa qua đã làm cho 50% cơ sở vật chất, trường lớp, bàn ghế, sách vở, thiết bị dạy học... bị hư hỏng nặng, thiệt hại hơn 6 tỷ đồng. Đau thương hơn trong đợt lũ vừa qua huyện đại Lộc đã có một em học sinh (Lê Trần Nhựt, Trường Mầm non Ái Nghĩa) bị chết do lũ, 3 GV (Huỳnh Năm, Nguyễn Đức Thiệu, Phạm Mênh) bị tai nạn trong lũ.
* Ngày 20-11, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: 13.000 học sinh trên địa bàn vẫn phải nghỉ học vì trường lớp bị hư hỏng hoặc còn ngập nước do lũ. Ước tỉnh thiệt hại cho ngành giáo dục trong những trận lũ vừa qua là 28,7 tỷ đồng gồm các phòng học, nhà vệ sinh, nhà để xe, bàn ghế, sách vở… bị hư hỏng nặng. Ngành giáo dục cùng người dân trên địa bàn đã cố gắng hết sức để khắc phục nhưng riêng học sinh 7 xã thuộc huyện Quảng Điền không biết đến bao giờ mới đi học trở lại được vì hiện nay trường, lớp vẫn còn ngập sâu trong nước gần 1m.
NG.H. - PH.H. - V.V.TH.