Thông tin trên được Bộ Công thương cho biết trong ngày 13-5, dựa trên báo cáo của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương).
Theo trung tâm này, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia (DAFF) đã công bố “Báo cáo cuối cùng về yêu cầu an toàn sinh học đối với quả bưởi tươi nhập khẩu từ Việt Nam”. Trong đó khẳng định, bưởi Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu nếu tuân thủ các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại và quy trình kiểm dịch thực vật do Australia quy định.
Báo cáo cho biết, cơ quan chức năng Australia đã hoàn tất quá trình đánh giá rủi ro toàn diện đối với bưởi tươi Việt Nam, từ sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch đến vận chuyển. Qua đó, DAFF xác định có 19 sinh vật gây hại cần kiểm soát, trong đó có rầy chổng cánh châu Á (Diaphorina citri), ruồi đục quả phương Đông (Bactrocera dorsalis), rệp sáp và nhện đỏ.

Để đảm bảo an toàn sinh học, Australia yêu cầu các lô hàng bưởi phải được sản xuất từ vùng trồng không có dịch hại (PFA) hoặc từ cơ sở được công nhận, áp dụng biện pháp xử lý chiếu xạ hoặc khí Methyl bromide, kiểm tra trực quan trước khi xuất khẩu. Đặc biệt, đối với bệnh loét cam (Citrus canker), Australia yêu cầu thực hiện một “hệ thống tiếp cận” - chuỗi biện pháp tổng hợp từ vườn trồng đến khâu xử lý sau thu hoạch.
Theo DAFF, nhện đỏ và rệp sáp là đối tượng kiểm dịch vùng tại bang tây Australia, do đó nếu vận chuyển bưởi giữa các bang trong nội địa Australia, sản phẩm vẫn phải tuân thủ thêm quy định kiểm dịch riêng của từng bang.
Trước khi ban hành báo cáo, DAFF đã tham vấn với 7 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Sau khi hoàn tất các bước xác minh kỹ thuật với Việt Nam, Australia sẽ công bố điều kiện nhập khẩu chính thức trên hệ thống BICON (cổng thông tin nhập khẩu thực vật của nước này).
Bộ Công thương đánh giá, việc hoàn tất báo cáo này là mốc quan trọng giúp Việt Nam mở rộng thêm một thị trường cao cấp cho trái bưởi tươi, bên cạnh Mỹ, EU và một số thị trường châu Á hiện có.