Ba lãng phí lớn trong đầu tư công

Báo cáo trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gửi tới các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).  
Một góc nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước bị "đắp chiếu"
Một góc nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước bị "đắp chiếu"

Một trong những nội dung trọng tâm là nhận diện 3 lãng phí lớn trong đầu tư công và giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện vẫn có tình trạng lãng phí ở cả 3 khâu: thiết kế, xây dựng chính sách, chương trình; phê duyệt dự án; bố trí vốn và thực hiện dự án. Trong đó, lãng phí từ khâu thiết kế, xây dựng chính sách, chương trình được xem là “phần lãng phí lớn nhất”, có ảnh hưởng rộng nhất.

Đơn cử, các dự án nhiên liệu sinh học của PVN tại Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước được đầu tư hơn 5.400 tỉ đồng, nhưng đến nay một dự án dừng thi công, hai dự án không vận hành thương mại vì thua lỗ.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Việc tham mưu, ban hành các chính sách không phù hợp với thực tiễn, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, dẫn tới việc thực hiện không hiệu quả, không đồng bộ, không có tác dụng kiến tạo phát triển, thậm chí còn cản trở sự phát triển. Việc có quá nhiều chính sách mới trong khi nguồn lực hạn chế dễ dẫn tới tình trạng dàn trải ngay từ khi cân đối nguồn vốn. Nếu tiếp tục dàn trải ở khâu bố trí vốn chi tiết cho từng dự án thì sự dàn trải và lãng phí sẽ tăng theo cấp số nhân”.

Tiếp đó, vẫn theo báo cáo nêu trên cho biết, lãng phí tại khâu phê duyệt dự án chủ yếu xuất phát từ quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, do quy trình quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định chủ trương không chặt chẽ.

Nhiều trường hợp quyết định đầu tư không tính đến khả năng cân đối vốn, dẫn tới không khả thi trong quá trình thực hiện, công trình dở dang, không đủ vốn để hoàn thành; hoặc không có vốn để bố trí, lãng phí kinh phí chuẩn bị đầu tư. Một số trường hợp phê duyệt tổng mức đầu tư cao hơn thực tế, trong đó nguyên nhân chủ yếu là hệ thống đơn giá, định mức chưa phù hợp; năng lực của cơ quan kiểm tra, thẩm định dự án còn yếu.

Tin cùng chuyên mục