Bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt do chiếm đoạt tài liệu của EVN

Bà Ngô Thị Tố Nhiên và 2 cán bộ EVN bị bắt do chiếm đoạt tài liệu, cùng nhiều nội dung đáng chú ý được thông tin tại họp báo thường kỳ tháng 9, do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều tối 30-9.

Tại họp báo, thông tin về phương án nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh cho biết, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định lịch nghỉ; Bộ LĐTB-XH chịu trách nhiệm tham mưu các phương án, trên cơ sở ý kiến các đơn vị liên quan. Tinh thần là lựa chọn phương án tối ưu cho người lao động cũng như đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các nhóm và sao cho người dân đi lại thuận lợi nhất. Hiện, bộ đang lấy ý kiến về hai phương án nghỉ Tết Giáp Thìn, đều kéo dài 7 ngày, chỉ khác thời điểm nghỉ từ 29 hoặc 30 tháng Chạp.

Trả lời về giải pháp phòng cháy tại các chung cư mini hiện hữu sau vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, các địa phương đã rà soát chung cư mini và phát hiện nhiều sai phạm. Nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cho loại nhà ở này, cần có giải pháp tổng thể, địa phương phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm.

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư chung cư mini khẩn trương cải tạo ngăn cách giữa khu vực để xe dễ phát sinh cháy nổ với lối thoát cho cư dân, đảm bảo thuận lợi nhất. Các chủ đầu tư phải tạo lối thoát, cầu thang thoát hiểm và đây là việc phải làm ngay.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2023. Ảnh: VIẾT CHUNG
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2023. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bên cạnh đó, các chung cư phải có trang thiết bị phòng chống cháy nổ; rà soát hệ thống điện đảm bảo đủ công suất. Các thiết bị phòng cháy như mặt nạ chống độc cũng cần trang bị cho cư dân; tập huấn ứng phó sự cố cho cư dân. Việc quản lý, vận hành loại hình chung cư mini cần thống nhất để đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người dân.

Cũng tại họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin, ngày 20-9, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Ngô Thị Tố Nhiên (SN 1974), Giám đốc Công ty TNHH Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam, tội "Chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức", quy định tại Điều 342 Bộ Luật Hình sự.

Bị bắt cùng tội danh với bà Nhiên còn có ông Dương Đức Việt (SN 1979), chuyên viên cao cấp, Ban Quản lý đầu tư Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (thuộc EVN) và ông Lê Quốc Anh (SN 1984), Trưởng phòng Phân tích hệ thống Công ty Tư vấn điện 1.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: VIẾT CHUNG

Kết quả điều tra xác định 3 người này có quyền tiếp cận các thông tin, tài liệu liên quan hoạch định chính sách, phát triển lưới điện của Tập đoàn EVN, lưới điện 500 KV và 220 KV. Vì vậy, bà Nhiên đã hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài liệu bằng cách ký hợp đồng lao động, hợp đồng chuyên gia với các ông Lê Quốc Anh và Dương Đức Việt theo hình thức bán thời gian, có trả lương. Hai đối tượng trên đã cung cấp tài liệu liên quan đến EVN cho bà Nhiên. Hiện, cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc.

Trung tướng Tô Ân Xô cũng cho hay, sau khi bà Nhiên bị khởi tố, một số cơ quan truyền thông nước ngoài và tổ chức phản động lưu vong đã đưa tin xuyên tạc, vu cáo Việt Nam bắt giam các nhà hoạt động môi trường. Bộ Công an bác bỏ luận điệu xuyên tạc trên, coi đó là hành vi can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam. Các tài liệu bị chiếm đoạt là tài liệu nội bộ không được chia sẻ và công bố công khai, thuộc danh mục tài liệu mật.

Trung tướng Tô Ân Xô thông tin thêm vụ án của Công ty bất động sản Nhật Nam. Theo đó, ngày 8-9-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Vũ Thị Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Nhật Nam tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174, Bộ Luật Hình sự.

Quá trình điều tra xác minh ban đầu cho thấy, từ năm 2020 đến 2022, Công ty Nhật Nam đã thu khoảng hơn 8.941 tỷ đồng của khoảng 20.000 cá nhân, thông qua 45.525 hợp đồng hợp tác kinh doanh (một cá nhân ký nhiều hợp đồng). Công ty chi trả hoa hồng cho các cá nhân giới thiệu huy động vốn khoảng hơn 2.272 tỷ đồng. Vũ Thị Thúy chi sử dụng cá nhân khoảng hơn 635 tỷ đồng...

Hiện cơ quan điều tra đã làm rõ và ghi được lời khai của 111 bị hại, bước đầu xác định số tiền bị chiếm đoạt là hơn 138 tỷ đồng. Vũ Thị Thúy tại cơ quan điều tra khai nhận các hoạt động đầu tư, kinh doanh của Công ty Nhật Nam đều chưa thu được lợi nhuận. Công ty này không có dự án, bất động sản nào tại tỉnh Hòa Bình và tỉnh Bình Thuận như quảng cáo cho các cá nhân.

Năm 2019, Vũ Thị Thúy thành lập Công ty Nhật Nam nhưng Thúy không góp vốn cổ đông, mục đích thành lập công ty là để huy động vốn của các cá nhân.

Báo cáo tài chính của Công ty Nhật Nam từ năm 2019 đến 2021 đều thua lỗ. Vũ Thị Thúy đã tổ chức các buổi hội thảo thu hút lượng lớn cá nhân tham dự; mở 32 văn phòng đại diện tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành trong cả nước để quảng bá, huy động vốn. Tại các hội thảo, Thúy sử dụng một số cá nhân uy tín trong xã hội, có thời gian công tác trong ngành pháp luật để giới thiệu công ty kinh doanh uy tín, trả gốc, lãi đầy đủ, cam kết không bị mất vốn nếu đầu tư vào công ty.

Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ để thu hồi tài sản, giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho nhà đầu tư. Qua vụ việc này, Bộ Công an khuyến cáo các nhà đầu tư hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ trước khi tham gia các dự án huy động vốn.

Tin cùng chuyên mục