Bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam: Không vì nhàn cư mà bất thiện

Bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam: Không vì nhàn cư mà bất thiện

Hội thảo "Nghề người mẫu ở Việt Nam - Thực trạng và đề xuất" vừa được tổ chức tại TPHCM đã được những người làm nghề và dư luận quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam.

* PV: Thưa bà, đâu là những vấn đề đáng mổ xẻ nhất của nghề người mẫu ở nước ta hiện nay?

- Bà NGUYỄN THẾ THANH: Nghề người mẫu xuất hiện ở Việt Nam khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, tuy chưa có mặt trong bảng xếp hạng khu vực nhưng cũng đã tạo được sự quan tâm khá đặc biệt của xã hội và khẳng định được vai trò của mình trong đời sống kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, từ khi chúng ta có tổ chức xã hội nghề nghiệp là Hội Người mẫu Việt Nam (thành lập năm 2007), nghề người mẫu hiện nay vẫn còn những vấn đề cần được khắc phục một cách nghiêm túc.

Đến nay vẫn chưa có bộ giáo trình đào tạo người mẫu trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm đào tạo của các nước đi trước và những bổ sung phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Điều này dẫn tới việc chưa có cơ sở đào tạo chính quy nào ở Việt Nam xây dựng ngành học, môn học về người mẫu (ngoại trừ một vài công ty dịch vụ cung cấp người mẫu có mở khóa đào tạo ngắn ngày, nhỏ lẻ, giáo trình chưa được cơ quan có chức năng thẩm định).

Hiện nay nghề người mẫu chưa được đưa vào danh mục ngành nghề lao động của nước ta, tức là chưa có mã số ngành nghề. 

* Hoạt động người mẫu đã tồn tại khá lâu ở nước ta, nhưng vì sao đến nay việc cấp mã số ngành nghề cho nghề người mẫu vẫn chỉ là đề xuất?

- Có 3 lý do: Thứ  nhất, chúng ta chưa có bộ giáo trình đào tạo người mẫu chính quy được cơ quan chức năng thẩm định. Thứ hai, Hội người mẫu Việt Nam chưa xây dựng được bộ quy tắc chuyên môn và đạo đức của nghề người mẫu, làm cơ sở đưa hoạt động người mẫu đi vào khuôn khổ chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Thứ ba, vì chưa có giáo trình và bộ quy tắc chuyên môn và đạo đức nghề người mẫu nên chưa phối hợp được với ngành lao động công nhận nghề người mẫu là một nghề trong danh mục lao động, có mã số ngành nghề.

* Tại hội thảo, lãnh đạo Cục Biểu diễn nghệ thuật khẳng định sẽ ban hành nghị định về việc cấp thẻ hành nghề đối với người mẫu. Ý kiến của bà về vấn đề này?

- Theo tôi, việc cấp thẻ hành nghề là cần thiết, bình thường như các ngành nghề khác như nghề hướng dẫn viên du lịch, nghề báo, nghề trình dược viên, nghề luật sư… Nếu muốn nghề người mẫu đi dần vào chuyên nghiệp, khắc phục được những hạn chế, tiêu cực như vừa qua bằng cách tổ chức giáo trình đào tạo chính quy, bằng quy tắc nghề nghiệp và cấp mã số ngành nghề như các nghề khác… thì việc cấp thẻ người mẫu là việc nên làm.

Vấn đề là khi thực hiện, cần căn cứ vào đặc điểm thực trạng của nghề này để chia thành từng giai đoạn và có tiêu chí phù hợp để tiến hành cấp thẻ. Ngoài ra, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của Hội Người mẫu Việt Nam và cơ quan quản lý cấp địa phương để xây dựng kế hoạch, biện pháp chu đáo cho việc tiến hành cấp thẻ.

Người mẫu cần được cấp thẻ hành nghề nhưng phải có tiêu chí cụ thể

* Trong hội thảo bà cũng đề xuất rằng, người đẹp khi tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế chỉ cần nộp đơn thông báo đến cơ quan hữu trách chứ không cần thiết phải xin phép như hiện tại. Bà có thể nói rõ hơn ý này?

- Theo tôi, trừ các cuộc thi nhan sắc quốc tế mà ban tổ chức quy định phải có sự xác nhận, đề cử của quốc gia khi tham dự, còn lại những cuộc thi khác thì những người muốn dự thi là công dân không vi phạm pháp luật, có điều kiện phù hợp với thể lệ cuộc thi đều có thể tham dự với thủ tục đơn giản như làm đơn gửi đến cơ quan chức năng trình bày rõ nguyện vọng tham dự với những thông tin chính thức về cuộc thi quốc tế và các thông tin cá nhân như khi đi xuất cảnh (theo quy định hiện hành); quy định thời gian của đơn này không ít hơn 20 ngày trước khi diễn ra cuộc thi (nhằm đảm bảo điều kiện xác minh của cơ quan chức năng đối với người xuất cảnh theo luật định).

Cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời văn bản (đủ điều kiện xuất cảnh) theo thời gian do cơ quan chức năng quy định nhưng không làm ảnh hưởng đến việc xuất cảnh nếu đương sự không thuộc diện cấm xuất cảnh. Văn bản trả lời này, theo tôi hiểu không phải là giấy phép.     

* Có một thực tế ít được nhìn nhận là độ vênh quá lớn giữa số lượng người mẫu và các hoạt động trình diễn thời trang. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực của hoạt động người mẫu, bởi khi mà hoạt động nghề nghiệp không đủ đảm bảo cuộc sống cho họ thì sẽ dễ dẫn đến những tiêu cực, mà vấn đề mại dâm liên quan đến giới người mẫu là một trong số đó. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

- Nếu tổ chức định kỳ hoạt động giới thiệu sản phẩm may mặc, nữ trang (và các sản phẩm tiêu dùng khác cần đến người mẫu)… như các nước khác đang làm bằng hoạt động của các nhà giới thiệu mẫu sản phẩm đúng tiêu chuẩn thì tôi nghĩ công việc cho người mẫu sẽ nhiều hơn. Nhưng, tôi không bao giờ tin rằng, vì ít việc (trình diễn mẫu) nên các người mẫu phải đi làm những việc vi phạm pháp luật như bán dâm, buôn lậu. Có câu này tôi muốn chia sẻ với các bạn: “Biết nhiều nghề, thạo một nghề” để có thể sống tốt với nghề trong thời buổi kinh tế thị trường.

KHẮC THI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục