Bà Rịa - Vũng Tàu: Đầu tư phát triển du lịch xứng tầm

Những năm gần đây, ngành du lịch (DL) của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về chất lượng sản phẩm cũng như hình ảnh quảng bá trong mắt du khách. Tuy nhiên, ngành công nghiệp không khói cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cùng sản phẩm vui chơi giải trí đa dạng.
Du khách tắm biển tại TP Vũng Tàu dịp 2-9-2022
Du khách tắm biển tại TP Vũng Tàu dịp 2-9-2022

Đào tạo, củng cố nguồn nhân lực 

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành DL Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bước hồi phục đầy ấn tượng. Theo Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, 9 tháng đầu năm 2022, các khu du lịch trên địa bàn đã đón và phục vụ hơn 10,2 triệu lượt khách, tăng hơn 225% so với cùng kỳ. Con số này đáng khích lệ sau khi tỉnh khôi phục lại các hoạt động kinh tế. Lượng khách đông, nhất là vào các dịp lễ, hè, cuối tuần giúp doanh thu ngành DL đạt 10.175 tỷ đồng, tăng 77,6% so với cùng kỳ. 

Tuy vậy, dịch Covid-19 đi qua cũng để lại cho ngành  du lịch những “di chứng” nặng nề. Một trong số đó là việc hàng ngàn nhân lực có tay nghề cao, được đào tạo bài bản đã chuyển sang ngành nghề khác. Anh Vũ Ngọc Long, chủ một cơ sở lưu trú ở khu vực Bãi Sau (TP Vũng Tàu), cho biết, hơn 2 tháng đăng tuyển dụng một số vị trí phục vụ khách sạn với yêu cầu kinh nghiệm tối thiểu 2 năm, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người phù hợp. Đa số hồ sơ đều là sinh viên mới ra trường, thiếu kỹ năng lẫn kinh nghiệm quản lý. Do tâm lý e ngại dịch bệnh, nguyên nhân về tài chính, nhân sự nên đã có không ít cơ sở lưu trú đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác.

Trên thực tế, tình trạng mất cân bằng cung và cầu nhân lực ngành DL là vấn đề nan giải từ lâu. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trước dịch Covid-19, cả nước chỉ có 42% lao động được đào tạo bài bản về DL, còn lại 38% từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy. Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu có gần 1.900 cơ sở lưu trú DL với gần 30.000 phòng nhưng số lượng nhân lực của toàn ngành, kể cả quản lý, lữ hành, mới khoảng 21.000 người. Qua khảo sát, trong số 21.000 nhân lực đang phục vụ, có đến hơn 5.000 người cần được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu ngành nghề. Ước tính đến năm 2025, ngành DL của tỉnh sẽ cần thêm 12.000 người; giai đoạn 2025-2030 sẽ cần bổ sung khoảng 13.000 người để bảo đảm công tác vận hành quản lý và phục vụ du khách tốt hơn. 

Để giải quyết câu chuyện này, mới đây, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức hội nghị kết nối đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Theo biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên, các cơ sở đào tạo sẽ đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, cơ sở DL. Các doanh nghiệp sẽ đối ứng một phần học phí của sinh viên thông qua việc trao học bổng, tạo môi trường thực tập thực tế và tạo đầu ra công việc cho sinh viên ngay khi ra trường.

Đầu tư tăng sản phẩm dịch vụ 

Với những lợi thế về giao thông và điều kiện tự nhiên, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương nằm trong tốp đầu về thu hút khách DL với khoảng 15-16 triệu lượt khách/năm, nhưng thiếu các sản phẩm dịch vụ vui chơi, giải trí khiến việc giữ chân du khách ngày càng khó. Trước năm 2020, chỉ có khoảng 20% khách đến tỉnh lưu trú qua đêm và đến nay dù đã cải thiện nhưng con số cũng chỉ ở mức 30%.

Nhìn tổng thể, hàng loạt các dự án DL cao cấp từ 4 -5 sao đang hình thành tại “thủ phủ” DL mới ở huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của du khách khá giả. Do đó, cần phải có sản phẩm DL đặc trưng để thu hút và níu chân đại đa số du khách.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, hiện sở đang kiến nghị tỉnh dành khu đất 300-400ha tại TP Vũng Tàu để xây dựng khu vui chơi giải trí tập trung phục vụ du khách; nhắm đến mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình như DL nghỉ dưỡng, DL sức khỏe và DL cộng đồng theo hướng bền vững. Ngoài ra, ngành DL cũng tích cực triển khai các hoạt động liên kết DL giữa các địa phương vùng Đông Nam bộ theo ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025. Trong đó, phối hợp với Sở Du lịch TPHCM khảo sát các tour, tuyến DL dành cho khách tàu biển của các đơn vị lữ hành giữa 2 địa phương, rà soát danh mục các chủ đầu tư của TPHCM đang đầu tư dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tham gia hội chợ xúc tiến, quảng bá DL giữa các địa phương nhằm quảng bá, thu hút khách DL đến với tỉnh.

Tin cùng chuyên mục