Bài 2: Cải cách hành chính - Cần những việc làm thiết thực, phục vụ dân

Bài 2: Cải cách hành chính - Cần những việc làm thiết thực, phục vụ dân

Đột phá - Bắt đầu từ đâu?

Đánh giá tổng quan, công tác cải cách hành chính của thành phố thời gian qua đã có bước chuyển quan trọng trên nhiều lĩnh vực nhưng chưa đáp ứng được mong đợi của người dân. Khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế còn lớn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện thành công  chương trình đột phá về cải cách hành chính trong 5 năm tới, câu trả lời có lẽ là cần làm những việc thiết thực, phục vụ dân.

Không thể phủ nhận những kết quả về cải cách hành chính trong rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức; tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Đến nay, đã có 20/20 sở - ngành, 24/24 quận - huyện, 322/322 phường - xã trên địa bàn thành phố thực hiện cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính. Các sở - ngành công an, hải quan, bảo hiểm xã hội, kho bạc nhà nước, thuế... đã giảm nhiều thủ tục, được người dân ghi nhận. Một số ngành liên quan đến đất đai, xây dựng, giao thông, truyền thông, văn hóa... đã có bước tiến trong thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”. Mối liên thông giữa thành phố với quận - huyện và giữa quận - huyện với phường - xã ngày càng tốt hơn. Một số dịch vụ có liên kết với bưu điện để chuyển phát nhanh kết quả và nhắn tin miễn phí cho người dân.

Cán bộ UBND quận 1, TPHCM tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về cải cách bộ máy hành chính, thành phố đã có kiến nghị với Trung ương nhằm sắp xếp, chuyển đổi một số nhiệm vụ, chức năng cho phù hợp, bớt chồng chéo, bất cập đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP và quận - huyện. Thành phố đã tiến hành xác định vị trí việc làm ở các đơn vị, tiếp tục đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ công chức theo chuẩn chức danh. Việc khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đã tạo sự chủ động và nâng cao ý thức chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả. Nhiều đơn vị sự nghiệp công đã được giao tự chủ tài chính. Nền hành chính công tiếp tục hiện đại hóa, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử, giao ban điện tử, ứng dụng ISO... Trong nhiệm kỳ, cũng đã tiếp tục thực hiện khảo sát chỉ số hài lòng của người dân trên 10 lĩnh vực: cấp nước; thu gom rác thải; cấp phép xây dựng; cấp giấy chủ quyền nhà; vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; giáo dục mầm non; y tế; nộp thuế thu nhập cá nhân; kê khai nộp các loại thuế; đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, vẫn còn những ngành, đơn vị chưa chủ động trong việc nghiên cứu, tìm giải pháp đột phá. Thái độ phục vụ của một số cán bộ công chức chưa làm người dân hài lòng, còn hiện tượng né tránh, sợ trách nhiệm, thờ ơ trong giải quyết công việc tồn đọng, thậm chí còn trường hợp gây nhũng nhiễu, tiêu cực. Sự quan tâm của người đứng đầu về cải cách hành chính chưa đồng đều, một tỷ lệ không ít còn chưa sử dụng công nghệ thông tin.

Nguyên nhân yếu kém kéo dài có phần do nhiều thủ tục hành chính còn chồng chéo, chậm được cấp trên xem xét tháo gỡ, có phần chủ quan do công tác chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chưa đáp ứng...

Nhiệm kỳ 2015-2020, TPHCM đặt ra mục tiêu đạt mức độ hài lòng của người dân trên 80%, nằm trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR-index). Đây là điều không dễ nhưng phải cố gắng bởi sự thôi thúc từ bên trong và những đòi hỏi bức bách của quá trình hội nhập. Nội dung đánh giá của PAPI dựa trên sự chuyển biến rõ rệt trong quá trình xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát thực hiện. Điểm số nằm trong 6 lĩnh vực nội dung PAPI đo lường bao gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.

Một trong những thách thức đối với chính quyền địa phương là thái độ và năng lực thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, trong đó đòi hỏi phải cải thiện “kỹ năng mềm”, đặc biệt là kỹ năng tiếp xúc với người dân và năng lực thừa hành các nhiệm vụ được giao trong xử lý thủ tục hành chính và cung ứng các dịch vụ cho người dân. Với cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm trong việc nâng cao nhận thức về quản trị và cải cách hành chính, nhất định sẽ tạo ra bước đột phá mới, góp phần tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững. Hội chứng “kính chuyển” lòng vòng trong giải quyết các vấn đề của dân cần phải được khắc phục. Mối quan hệ, phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành để đem lại hiệu quả tốt hơn trong hành xử công việc cần được quan tâm.

Trên cơ sở xác định mục tiêu, nội dung, giải pháp, thành phố sẽ phân công triển khai thực hiện, trong đó đòi hỏi phải chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức, cùng với việc kiểm tra, thanh tra công vụ thường xuyên nhằm tập trung khắc phục những lĩnh vực còn yếu kém, phiền hà, ách tắc, nhũng nhiễu. Cương quyết bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy, một khi cấp ủy quan tâm chỉ đạo sát sao, việc kết hợp cải cách hành chính trong hoạt động của các cơ quan Đảng sẽ thúc đẩy cải cách hành chính nhà nước mạnh mẽ và hiệu quả.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Xóa điểm nghẽn về đào tạo nghề

Tin cùng chuyên mục