Phá sản ngành Công nghiệp ô tô
Đến năm 2018, Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường theo lộ trình giảm thuế. Do đó nếu không sớm có một chính sách đột phá, ngành công nghiệp ô tô trong nước vốn “èo uột” sẽ phải tiếp tục hứng chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và gay gắt.
Trông chờ giải pháp hỗ trợ
Không phải đợi đến năm 2018, bởi theo lộ trình, vào năm 2014 thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam giảm chỉ còn 50% và đến năm 2015 giảm còn 35%, năm 2016 xuống 20%, năm 2017 là 10% và năm 2018 còn 0%. Như vậy, chỉ cần giảm xuống 50% vào 2014, một số mẫu xe nhập khẩu đã có thể cạnh tranh ngang ngửa với xe lắp ráp trong nước. Càng hạ thuế nhập khẩu xuống thấp thì xe nhập khẩu càng tăng sức cạnh tranh, sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn. Mặc dù thời điểm giảm thuế đã cần kề, nhưng đến nay các phương án của Bộ Công thương về đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ… cho các dòng xe vẫn nằm… trên giấy. Nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô cho biết, việc Chính phủ chưa công bố kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô, dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư phải tiếp tục chờ đợi, nghe ngóng; không chuyên tâm đầu tư sản xuất.
Trong khi đó, để hạn chế rủi ro khi thời điểm lộ trình giảm thuế cận kề cũng như mong muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, một số doanh nghiệp ô tô trong nước đã có kiến nghị gửi Chính phủ đề nghị xem xét có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, mới đây Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) đề nghị Chính phủ được xét cho vay vốn dài hạn hoặc hỗ trợ bằng cách hoãn thuế từ tháng 10-2013 để công ty chi trả cho công tác nghiên cứu thiết kế, chuyển giao công nghệ, hoàn thiện dây chuyền đúc nhôm thân vỏ động cơ và nhập thiết bị gia công các chi tiết chính của Hãng DMG (Đức) và Moriseiki (Nhật Bản). Vinaxuki cũng cam kết, nếu được hỗ trợ cho vay, sang năm 2014, công ty sẽ lắp đặt máy, thiết bị và sản xuất động cơ, để năm 2015, xuất xưởng những động cơ đầu tiên. Trước đó, Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng đã kiến nghị Chính phủ về việc cho giãn thời gian nộp thuế nhập khẩu linh phụ kiện trong 1 năm để sử dụng nguồn tiền này phục vụ sản xuất ô tô, đặc biệt là triển khai dự án sản xuất động cơ. Đề nghị này nếu được Chính phủ đồng ý chấp thuận, kỳ vọng sẽ tạo ra những đòn bẩy cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Xây dựng chính sách phù hợp
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp - Bộ Công thương Dương Đình Giám, dự báo dung lượng thị trường đến năm 2020 từ khoảng 2 triệu đến 3,5 triệu ô tô các loại; trong đó tổng lượng xe dưới 10 chỗ là khoảng 250.000 xe, năm 2025 khoảng trên 750.000 xe. Trong khi đó, Chính phủ vẫn xác định ngành công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp chủ lực, quan trọng. Quan điểm và mục tiêu cơ bản không có gì khác so với trước đây, vẫn hướng đến sản xuất phụ tùng, lắp ráp và sản xuất xe nguyên chiếc với tỷ lệ nội địa hóa hơn 50%. Do đó, để ngành công nghiệp ô tô phát triển đúng theo quy hoạch, cần có giải pháp đột phá trong thời gian tới. Trước kia hệ thống chính sách chủ yếu nhằm vào khu vực sản xuất nhằm ưu đãi cho họ để tạo ra sản phẩm giá cả phù hợp với thị trường. Rút kinh nghiệm, cách tiếp cận lần này sẽ kích thích cả khu vực tiêu dùng. Bởi khi tiêu dùng lên cao, thị trường mở rộng nhà sản xuất mới có điều kiện sản xuất. Mặt khác, trong kế hoạch sắp tới, không ưu đãi cả ngành công nghiệp ô tô mà sẽ đặc biệt ưu đãi với ngành cần kích thích.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, để ứng phó trước các dòng thuế được giảm theo lộ trình, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất, các doanh nghiệp ô tô cần tìm cách tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh; hạch toán đúng giá thị trường để phấn đấu đưa giá thành sản xuất ô tô tương đương và phấn đấu thấp hơn các nước trong khu vực, góp phần giảm giá bán sản phẩm. Bên cạnh đó, số lượng sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành, chi phí sản phẩm. Bởi nếu sản xuất nhiều thì giá thành sẽ hạ, bên cạnh sản phẩm xuất khẩu được ra nước ngoài như đề án của các nhà máy sản xuất ô tô đặt ra sẽ không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu; ngược lại, còn được hoàn thuế đầu vào, có lợi thế cho nhà sản xuất.
Theo Chủ tịch VAMA Jesus Metelo Arias, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, việc đầu tiên cần làm hiện nay là có chính sách ổn định và có thể dự báo được. Tiếp đến mới là xây dựng các nhà cung ứng có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn làm được điều này, ngành công nghiệp ô tô phải đạt được sản lượng nhất định. Để sản xuất một chiếc ô tô cần tới hàng ngàn linh kiện, không nhà sản xuất ô tô nào tự sản xuất được toàn bộ linh kiện. Các hãng ô tô đều có nguồn cung ứng từ bên ngoài. Bởi điều kiện tiên quyết để phát triển nhà cung ứng linh kiện là quy mô thị trường và chính sách hợp lý thu hút được nhà đầu tư vào thị trường.
LẠC PHONG - THẢO TIÊN