Hậu bong bóng bất động sản - Ai bảo vệ người dân?
>>Bài 1: Đóng tiền thật, được nhà ảo
Những người dân là nạn nhân của các dự án “bất động sản kinh doanh trên giấy” biết kêu ai? Đó là câu hỏi của nhiều người dân đặt ra với chúng tôi khi không biết tìm đến cơ quan nào để kêu cứu! Và sự thật, với những hợp đồng mẫu toàn những điều khoản có lợi cho chủ dự án, thì nay người dân có kiện cũng… thua! Cơ chế nào để bảo vệ người dân?
Căn biệt thự nằm trong dự án Phi Long (huyện Bình Chánh) cũng là trụ sở công ty để làm nơi giao dịch nhưng đóng cửa, chỉ có bảo vệ trực
Con kiến kiện củ khoai!
Điển hình là vụ ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Quang Minh (phường 15, quận 10). Công ty này chỉ là đơn vị san lấp mặt bằng và được ủy quyền thu mua đất trong quá trình giải tỏa mặt bằng cho Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam để thực hiện khu dân cư thương mại Hải Yến (sau khi thu mua sẽ được hoán đổi đất theo tỷ lệ 9%). Thế nhưng, sau khi thu mua được một phần, dù chưa sang lấp mặt bằng nhưng Công ty Quang Minh đã kêu gọi người dân ký hợp đồng góp vốn đầu tư nền đất với mình. Nhiều người dân đã bỏ tiền tỷ vào đầu tư từ năm 2007, đến nay vẫn chưa nhận được nền đất. Quá bức xúc, người dân đã tố ông Pham Hữu Thọ về hành vi lừa đảo, cho rằng ông không có quyền đối với dự án vì Quang Minh chỉ là đơn vị làm thuê, Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam mới chính là chủ dự án. Thế nhưng, trong một buổi hòa giải tại tòa, đại diện Quang Minh nói rằng, dù Công ty Quang Minh không phải là chủ dự án, nhưng công ty có ký hợp đồng san lấp và có hợp đồng ủy quyền thu mua đất giùm cho Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam để sau này hoán đổi đất sạch, nên ông có quyền ký hợp đồng góp vốn (thật ra là bán nền đất) cho khách hàng. Vụ việc cứ nhùng nhằng, đến nay vẫn chưa được xử lý. Trong khi đó, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, việc ký hợp đồng ủy quyền mua đất để làm dự án chưa thể xác lập quyền sở hữu của Công ty Quang Minh đối với dự án, do vậy việc Công ty Quang Minh ký hợp đồng hợp tác bán nền đất cho khách hàng là không đúng quy định pháp luật.
Tệ hơn vậy, những ngày qua, nhiều người dân tìm đến Công ty cổ phần Đầu tư Phi Long (huyện Bình Chánh) để đòi lại vốn vì hay tin chủ đầu tư đã… bỏ trốn! Từ những năm 2010-2011, công ty này đã vẽ bản đồ phân lô, xây dựng một đoạn đường ngắn và một biệt thự hoành tráng làm trụ sở công ty ngay giữa dự án. Người dân thấy dự án đã cơ bản nên nộp tiền mua nền, chấp nhận trả thêm tiền ngoài hợp đồng. Thời hạn giao nền là 18 tháng. Thế nhưng, đến nay đã 5 năm, Công ty Phi Long không những không thực hiện một tí gì về đầu tư cơ sở hạ tầng, mà còn phân lô nền lại trên giấy. Người dân hoang mang tìm đến công ty để biết lô đất của mình bây giờ ở đâu thì thấy công ty đóng cửa. Dù bên trong có 2 bảo vệ, nhưng lấp ló không dám ra gặp khách. Hỏi thăm thì các anh cho biết là chủ dự án đi lâu rồi, nghe nói đang làm dự án gì ở tỉnh Tây Ninh, Quảng Ngãi…! Thế là nhiều người dân tiu nghỉu trở về, muốn kiện cũng chẳng biết chủ đầu tư ở đâu mà kiện?!
Giải quyết thỏa đáng quyền lợi người dân
Các luật sư cho biết, hiện nay ở các vụ kiện giữa nhà đầu tư và chủ đầu tư thì hầu hết nhà đầu tư thua kiện. Điển hình nhất là các khách hàng của một khu dân cư lớn nhất quận 7. Hợp đồng ký ban đầu không quy định về thuế, nhưng sau đó phát sinh thuế, chủ đầu tư mời khách hàng lên ký lại hợp đồng trong đó có điều khoản mới buộc khách hàng phải nộp thuế. Khách hàng không đọc kỹ hợp đồng hoặc thấy người khác ký nên ký theo, khi phát sinh số thuế thì đã ký rồi, không khiếu nại được. Nhiều vụ án khác được Tòa án Nhân dân quận 7 thụ lý xét xử cũng thế. Có dự án trễ hạn nhiều năm, nhưng khách hàng đồng ý ký lại hợp đồng mới gia hạn hợp đồng, thay đổi nội dung hợp đồng, nên khi xảy ra tranh chấp, hợp đồng cũ không được thừa nhận, người dân bị thiệt thòi.
Trong lúc thời điểm được dự báo là bất động sản bắt đầu ấm lên, nhiều chủ đầu tư dở bài “lật kèo”, đòi thanh lý hợp đồng, hoàn lại tiền gốc cộng lãi suất cho khách hàng. Thế nhưng, đồng tiền chục năm trước giá trị khác số tiền lãi cộng thêm ngày nay. Hơn nữa, theo các luật sư, nếu khách hàng là người có quyền nhưng họ không yêu cầu đơn phương chấm dứt hợp đồng thì chủ đầu tư là bên vi phạm không có quyền hủy hợp đồng. Tuy nhiên, nếu các bên không hợp tác thì sẽ kỳ kèo, kéo dài thời gian. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần xử lý hậu quả của những dự án mà trước đây chủ đầu tư “3 không” (không tiền, không ký quỹ, không năng lực) thực hiện dự án, nhưng “xí” đất để bán bằng hình thức hợp tác đầu tư, rồi không tìm được đối tác nên dự án đóng băng. Nhà nước phải mạnh tay thu hồi các dự án được giao đất nhưng chậm tiến độ thi công, mang ra đấu giá, giao lại cho các chủ đầu tư khác thực hiện dự án, để bàn giao nhà đất theo thỏa thuận cho dân. Ngay cả các dự án tư nhân, UBND TP cũng nên giao cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước đứng ra thu mua lại bằng giá vốn trên hợp đồng với nhà đầu tư rồi tiếp tục xây dựng, bàn giao nhà cho dân. Bởi chủ đầu tư không có khả năng thực hiện dự án đã đến lúc phải chấp nhận từ bỏ lợi ích thu được từ dự án để đảm bảo quyền lợi cho dân.
Hàn Ni