Bài 2: Quy định mới, người sử dụng hóa đơn chới với

Bài 2: Quy định mới, người sử dụng hóa đơn chới với

Choáng váng với thuế khoán

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định kể từ đầu năm 2016, tất cả những hộ thuế khoán có sử dụng hóa đơn thì ngoài số thuế khoán, còn phải nộp thêm tiền sử dụng hóa đơn. Quy định này khiến cho nhiều hộ thuế khoán sẽ phải nộp thêm 100% số thuế so với trước.

Thuế tăng gấp đôi

Theo quy định của Thông tư 92, kể từ ngày 20-11 tới, các Chi cục Thuế phải triển khai tờ khai thuế đến các hộ. Mới đây, một số cơ quan thuế họp triển khai xuống dân thì gặp phản đối dữ dội. Bởi tại điểm b, khoản 1, Điều 6 Thông tư 92 quy định: “Cá nhân nộp thuế khoán sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì ngoài việc khai doanh thu khoán, cá nhân tự khai và nộp thuế đối với doanh thu trên hóa đơn theo quý”.

Nếu trước đây hộ kinh doanh được khoán thuế theo doanh thu nhân với tỷ lệ ấn định dựa trên ngành nghề và hộ khoán nào muốn sử dụng hóa đơn thì được cấp hóa đơn trực tiếp (hóa đơn không có thuế giá trị gia tăng) bằng với mức khoán. Ví dụ, hộ được xác định doanh số 200 triệu đồng/năm, thì được sử dụng hóa đơn tương đương 200 triệu đồng. Trong trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn vượt mức 200 triệu đồng thì mới phải nộp thêm tiền thuế cho khoản chênh lệch vượt đó. Còn với quy định mới thì ngoài mức thuế khoán được áp như cũ, hộ kinh doanh không được cấp hóa đơn như trước, mà hộ nào muốn sử dụng hóa đơn phải nộp thuế thêm một lần nữa trên số tiền ghi trong hóa đơn. Bà Chung Bích H., chuyên kinh doanh hàng bảo hộ lao động trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), cho rằng với quy định này bà phải đóng thêm một lần thuế nữa. Bởi vì ngành hàng của bà thi thoảng mới có khách đến mua, còn chủ yếu bán cho các doanh nghiệp, phải xuất hóa đơn đến 99%. Nếu phải trả tiền mua hóa đơn thì coi như bà phải nộp 2 lần thuế!

Các hộ kinh doanh đang thực hiện khoán thuế theo nguyên tắc lấy doanh thu nhân với một mức thuế suất nhất định. Ảnh: CAO THĂNG

Tương tự, ông Vũ Ngọc Giang, chủ cơ sở thêu vi tính ở khu Cư xá Bắc Hải (phường 15, quận 10), cũng bức xúc vì thuế khoán mà không được sử dụng hóa đơn chỉ phù hợp với những hộ bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, những tiệm tạp hóa… chứ người làm gia công như ông là không thể được. Những hộ gia công đều làm cho doanh nghiệp nên phải xuất hóa đơn đầy đủ 100%. Quy định như vậy là nộp thuế 2 lần, là trùng thuế!

Nghèo, “ít chữ” vẫn phải lên doanh nghiệp?!

Chỉ chuyện cái hóa đơn thôi, rất nhiều lần làm khổ người nghèo. Nhớ đầu năm trước, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế cũng một lần sửa đổi quy định đối với hộ khoán, cá nhân kinh doanh, trong đó không bán hóa đơn cho các hộ kinh doanh cá thể, khiến họ phải xất bất xang bang. Sau đó ngành thuế phải điều chỉnh, bán hóa đơn trở lại cho phù hợp thực tế. Lần sửa đổi này cũng thế, quy định mới khiến mức thuế phải đóng của một số hộ bị tăng gấp đôi, ảnh hưởng đến lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Nói về lý do ngành tài chính không cấp hóa đơn cho hộ khoán nữa, theo một cán bộ ngành thuế là để dần dần hướng các hộ kinh doanh tiến lên thành lập doanh nghiệp. Một cán bộ thuế khác thì thẳng thừng rằng “cớ gì một hộ khoán sử dụng hóa đơn 100% trong hoạt động kinh doanh lại không chịu hoạt động theo luật doanh nghiệp cho minh bạch?!”. Điều định hướng đó cũng được nói tại Thông tư 92 rằng: “Cá nhân kinh doanh sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp; nếu chưa thành lập thì ấn định thuế nhưng phải lập danh sách báo cáo”.

Thế nhưng, khi chúng tôi đi thực tế thì quy định sử dụng hóa đơn phải mua này, lại ảnh hưởng đến những hộ đặc thù theo ngành nghề, theo đối tượng bán hàng chứ không phải quy mô hộ kinh doanh lớn hay nhỏ, có sử dụng quá 10 lao động hay không. Bà Hồ Thị Hạnh, chuyên kinh doanh mặt hàng đèn trang trí nội thất, cho biết bà là cán bộ hưu trí, về hưu tận dụng mặt bằng nhà ở để buôn bán, chỉ có bà và người cháu thay phiên nhau bán hàng, ai muốn xuất hóa đơn thì ghi theo yêu cầu. Nếu giờ phải thành lập doanh nghiệp thì ai là giám đốc, ai là kế toán trưởng, mà cũng có người nào biết gì về kế toán, báo cáo thuế hay sử dụng máy vi tính đâu. Đã vậy, lên doanh nghiệp thì hàng năm phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra, rồi phải báo cáo, quyết toán thuế… Đó là những điều người dân sợ nhất. Chưa kể, “buôn bán lấy công làm lời, nếu phải lập doanh nghiệp thì lại đẻ ra bộ máy, nhân sự, tiền đâu trả lương?!”, bà Hạnh than.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh T. chuyên làm hàng gia công cho biết, ông cùng với vài đứa cháu dưới quê lên nhận gia công hàng cho khách, tiền lời đủ sống nhờ tận dụng mặt bằng của gia đình. Hiện việc gia công của ông nộp thuế 4,5% trên doanh thu (1,5% thuế thu nhập cá nhân và 3% thuế GTGT). Nếu phải mua hóa đơn theo quy định mới, ông phải nộp đến 9% thuế, trong khi tỷ suất lợi nhuận của ngành gia công không cao. “Muốn báo cáo đúng thì chúng tôi phải “lên” doanh nghiệp, nhưng có đứa cháu nào biết chữ đủ để hiểu cái báo cáo thuế là gì đâu. Tôi nào giờ cũng lao động chân tay chứ đâu hiểu biết gì về thuế. Phải thuê kế toán thì đội chi phí lên, khác nào việc trả tiền mua hóa đơn. Kiểu gì thì chúng tôi cũng chịu thiệt…”, ông nói.

Trong khi đó, theo phân tích của các chuyên gia thuế, với việc ấn định thuế thu nhập cá nhân như hiện nay thì những hộ kinh doanh lớn, có doanh số cao lợi hơn, vì không phải lo chứng minh đầu vào. Do vậy, người có doanh thu cao cũng không muốn chuyển sang thành lập doanh nghiệp như mong muốn của ngành tài chính. Ví dụ, người có căn nhà cho ngân hàng thuê với giá 10.000 USD/tháng (hơn 220 triệu đồng) thì họ chỉ nộp trên mức thuế ấn định 10% (5% thuế thu nhập cá nhân và 5% thuế GTGT), vẫn thấp hơn mức thuế thu nhập cá nhân tính theo lũy tiến trước đây - lên đến 35%, và vẫn phải nộp 5% thuế GTGT nữa. Do vậy, nhiều người cho rằng cách tính thuế khoán cào bằng chỉ có lợi cho người thu nhập cao, nên đương nhiên họ cũng chẳng dại gì chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp!

HÀN NI

Bài 1: Những điểm bất hợp lý

Tin cùng chuyên mục