
Nếu biết rõ chất lượng của những trường mà phụ huynh học sinh (PHHS) muốn chạy cho con mình vào học, hẳn họ sẽ ngỡ ngàng, bởi trường đó không thật tốt nhất như PHHS mong muốn. Đã đến lúc, ngành GD-ĐT phải có giải pháp để lòng tin của PHHS không bị lợi dụng để trục lợi.
Không phải “trường điểm” nào cũng tốt nhất
Bấy lâu nay, PHHS đổ xô đến một trường nào đó chỉ vì nghe tiếng trường đó là tốt. Sự đánh giá của PHHS hoàn toàn cảm tính chứ không dựa trên kết quả kiểm định khoa học và toàn diện.

Ở quận 1, nói đến tiểu học là người ta mơ ước cho con vào Trường Lê Ngọc Hân, ở THCS thì PHHS đua chân chen vào Nguyễn Du. Nhưng chất lượng các trường có thật sự là tốt nhất? Chúng tôi thử khảo sát kết quả học tập khối lớp 5 năm học 2005 -2006 của những trường ngoài tầm ngắm của PHHS. Điểm xếp loại giỏi môn tiếng Việt của Trường TH Chương Dương là 69,3% và môn toán là 92,09%. Tỷ lệ này lần lượt ở Trường Bán công Đuốc Sống là 71% và 85%, Nguyễn Thái Bình: 84% và 87,5%.
Những trường nằm ở khu vực lao động nghèo lại có kết quả cao hơn những trường “nóng” được PHHS đổ xô vào như Hòa Bình: 53,6% và 69%, Trần Hưng Đạo 68,9% và 82,9%… Tương tự, ở quận 5, không phải trường điểm là trường có chất lượng dạy học tốt nhất. Khi ngành GD còn kỳ thi tốt nghiệp lớp 5, các trường của quận 5 đạt tỷ lệ khá giỏi trên 90% trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học xếp từ cao xuống là Hàm Tử, Trần Bình Trọng, Bàu Sen, Chương Dương, Phạm Hồng Thái, Chính Nghĩa, Minh Đạo, Nguyễn Viết Xuân, Lê Đình Chinh. Trường Hàm Tử – ngôi trường không tiếng tăm nhưng dẫn đầu về tỷ lệ HS khá, giỏi. Trong khi Trường Minh Đạo – rất nhiều PHHS chen nhau đưa con vào – lại chỉ xếp thứ 7.
Theo thống kê, có đến 40% HS các quận khác đổ về quận 1, quận 3, quận 5. Riêng quận 1, chỉ tính số HS lớp 5 của quận Bình Thạnh đã là 700 em và quận 4 là 800 em. PHHS chê quận nhà, nhưng hiếm ai biết Trường THCS Vân Đồn của quận 4 có điểm bình quân lớp 9 thi vào lớp 10 năm học 2006 (thi theo đề chung của Sở GD-ĐT) xếp thứ 5 toàn thành phố, cao hơn THCS Nguyễn Du (quận 1) xếp thứ 7. Ở quận 3, Trường THCS Lê Quý Đôn, trường có sức hút số 1 với PHHS chỉ xếp hạng 24, thua điểm thi của THCS Hai Bà Trưng (thứ 22) và THCS Lê Lợi (thứ 23) cùng thuộc quận 3.
Đầu vào cao nhất, đầu ra không tiến bộ
Lâu nay, để đánh giá sự thành công của một trường, nhiều người thường chú ý đến tỷ lệ, điểm số tốt nghiệp. Tuy nhiên, cách đánh giá này không phản ánh thực chất kết quả giảng dạy của một trường khi chỉ chú ý đến đầu ra mà không tính đến đầu vào. Do vậy, 4 năm nay, Sở GD-ĐT đã sử dụng phương pháp giá trị gia tăng để đo độ tiến bộ của các trường THPT.
Người có công đặt nền móng cho phương pháp này là ông Đinh Quang Hảo, nguyên Trưởng phòng Khảo thí Sở GD –ĐT, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Thái Bình Dương. Theo ông Hảo, chuyên viên phòng Khảo thí lấy dữ liệu đầu vào năm lớp 10, đầu ra lớp 12 sử dụng độ lệch chuẩn sắp xếp lại, tính toán độ tiến bộ của HS.
Có thể điểm bình quân của trường tiến bộ nhất chưa chắc cao hơn điểm của trường chậm tiến, nhưng độ tiến bộ tăng hay giảm sẽ đánh giá quá trình dạy và học ở nhà trường. Với đề thi chung, hội đồng chấm thi chung trên toàn thành, phương pháp tính giá trị gia tăng mang tính trung thực, khách quan và tương đối chính xác. Phương pháp này cũng phản ánh sự thầm lặng vươn lên của nhiều trường, đồng thời cảnh báo những trường có điểm top nhìn lại mình, không ngủ quên trong ánh hào quang xưa.
Theo thống kê năm 2005, về độ tiến bộ môn văn sau 3 năm học, THPT Bán công Tenlơman dẫn đầu bảng, kế tiếp là 2 trường Lê Thị Hồng Gấm, Trần Hữu Trang. Trong khi đó, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có đầu vào cao nhất TPHCM với điểm bình quân lớp 10 là 8,427 nhưng điểm đầu ra lớp 12 là 6, độ tiến bộ nằm ở mức âm (-1).
Tương tự, THPT Nguyễn Thượng Hiền bị lọt vào tốp có độ tiến bộ âm (-0,4), xếp thứ 51/62. Ở môn vật lý, THPT Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thượng Hiền “gỡ” lại được, nằm trong tốp 10. Các trường vùng ven như Nguyễn Hữu Huân, Trần Phú, Nguyễn Trung Trực cũng lọt vào tốp 10 trường tiến bộ nhất.
Ở môn toán, 3 trường ngoại thành, vùng ven có điểm đầu vào thuộc tốp thấp nhất là Thủ Thiêm, Nguyễn Trung Trực, Cần Thạnh lại có điểm tiến bộ cao nhất (1,4 đến 1,5). Ở môn Anh văn, có sự bứt phá trong học tập vẫn là ngoại thành, đứng đầu bảng vẫn là Cần Thạnh, kế tiếp là Quang Trung, Trần Hữu Trang. Trường Lê Quý Đôn, Bùi Thị Xuân không bị điểm âm nhưng xếp thứ 20, 21. Đặc biệt, dù đầu vào không thuộc tốp 10 trường có điểm cao nhất, nhưng một số trường đã bứt phá lọt vào tốp 10 trường có đầu ra tốt nhất, như là Trường THPT Trưng Vương…
Có thể xóa nạn “chạy trường”?
Những trường có “thương hiệu” được PHHS tin yêu đều có truyền thống và quá trình phấn đấu lâu dài. Bản thân các trường nhận được nhiều hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần hơn hẳn các trường “thầm lặng” khác. Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng GD quận 1 khẳng định: Rất khó giải quyết và có nguy cơ không giải quyết được vấn nạn “chạy trường” nếu không đầu tư cơ sở vật chất cho các trường bị PHHS “chê”.
Theo bà Thanh, tay nghề giáo viên của các trường trong quận không có độ chênh, nhưng các trường hút PHHS lại nằm ở vị trí đẹp, cơ sở vật chất khang trang, sân chơi rộng rãi. Nếu trường lớp được đầu tư đúng mức, chất lượng ngang bằng nhau thì không ai phải mất tiền để có chỗ học (như trường hợp phát hiện ở THCS Trần Văn Ơn, quận 1 – PV).
Cơ chế phân tuyến cộng với tâm lý muốn con vào trường bằng bất kỳ giá nào của PHHS tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh. “Người thầy sẽ dạy bài học đạo đức cho HS như thế nào khi PHHS chỉ cần bỏ tiền là mua chỗ học tốt, khi có những giáo viên bán rẻ danh dự?” - bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng GD quận Tân Phú, day dứt.
HỒNG LIÊN
Kết luận về vụ “chạy trường” ở THPT Lê Quý Đôn: Ngay sau khi vụ việc bị đổ bể, gia đình bà Hòa đã mang tiền đến trả cho bà Lê. Còn trong vụ bà Phạm Thị Phương Hoa chi 48 triệu đồng cho bà Hòa, đoàn thanh tra chưa đủ cơ sở để kết luận. Ông Nam cũng cho biết, đến giờ này chưa có dấu hiệu, chứng cứ nào chứng tỏ bà Trần Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn có nhận tiền của PHHS. Tuy nhiên, ông Nam khẳng định: Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục làm rõ thêm vụ “chạy trường” ở Trường Lê Quý Đôn thông qua Công an TP (PA 25). Hg.L. |
Thông tin liên quan |
Bài 1: Nạn nhân và... “thủ phạm” |