Bài 3: Giải pháp để nâng cao chất lượng

Bài 3: Giải pháp để nâng cao chất lượng

CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU?

Nghị quyết 29 thể hiện quyết tâm của Chính phủ để cải cách giáo dục “căn bản và toàn diện”. Trong đó, nội dung trọng tâm là tạo cơ chế tự chủ và xã hội hóa. Chủ trương thì có, nhưng dường như hệ thống giáo dục đại học (ĐH) còn rất e dè khi mới chỉ có hơn 10 trong tổng số 223 trường ĐH (không tính các trường khối an ninh, quốc phòng, quốc tế) dám xin tự chủ. Điều này cho thấy, chủ trương thì khuyến khích tiến về phía trước trong khi đó các văn bản, quy định của các bộ, ngành thì giậm chân tại chỗ, nên các trường còn e dè với tự chủ.

Phải có giải pháp đồng bộ 

Nói về giải pháp để giáo dục ĐH Việt Nam thật sự lột xác, một giáo sư là hiệu trưởng một trường ĐH được tự chủ khá thành công tại TPHCM cho rằng: “Chỉ khi nào có giải pháp và đột phá một cách đồng bộ về 5 vấn đề: chương trình đào tạo, hạ tầng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, chuẩn đầu ra - mục tiêu đào tạo, hội nhập quốc tế thì ĐH Việt Nam mới thật sự đạt đến chuẩn chất lượng. Để làm được giải pháp đồng bộ này thì thời gian không dưới 5 năm hay 10 năm”. Vị giáo sư này nhấn mạnh: “Không còn cách nào khác là phải dốc sức để tập trung xây dựng lại chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế, theo kịp chuẩn của khu vực và thế giới”.

Cùng với chương trình đào tạo thì phải xây dựng các trường ĐH đủ chuẩn về cơ sở hạ tầng, phòng học, giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng thực hành mô phỏng, sân chơi, thư viện. Hiện nay thật sự số trường ĐH Việt Nam có thể so sánh về cơ sở vật chất với ĐH quốc tế hay khu vực chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một ĐH phải có không gian để sinh viên học tập, thư giãn, rèn luyện thể chất nhằm phát triển đồng đều về trí tuệ, thể lực, thẩm mỹ.  

Về đội ngũ giảng dạy, để thu hút, nâng chất được người thầy thì chúng ta phải đảm bảo họ phải sống được bằng lương. Nếu đồng lương ba cọc ba đồng như hiện nay thì không thể bắt họ phải cống hiến hết khả năng và đương nhiên họ phải chạy sô, dạy chay...

 
Vì sao sinh viên của chúng ta ra trường thất nghiệp quá nhiều và đã được đưa vào nghị trường của Quốc hội để bàn thảo, chất vấn? Đào tạo không đổi mới chương trình, không gắn với thực tế thì chất lượng đầu ra sẽ không đồng bộ, kiến thức lẫn kỹ năng sẽ thiếu chỗ này, hụt chỗ kia. Nếu nguyên liệu đầu vào tốt cộng với quá trình đào tạo đạt chuẩn, đồng bộ thì chắc chắn “sản phẩm” đầu ra sẽ có người sử dụng. Khi sản phẩm có chất lượng thì sẽ không còn cảnh cử nhân đại học, thạc sĩ thất nghiệp trong khi nhà tuyển dụng lại than không có nguồn tuyển.

Một điều kiện quan trọng nữa là ĐH phải chủ động hội nhập để người thầy được học hỏi kinh nghiệm, sinh viên có cơ hội giao lưu, học hỏi để mở mang kiến thức, văn hóa. Khi có nhiều cơ hội giao lưu trao đổi văn hóa, học thuật thì người học sẽ hòa nhập, thích ứng tốt vào thị trường lao động toàn cầu.  Và một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo đó là phải quyết tâm đầu tư thật tốt cho ngoại ngữ. Nếu chúng ta muốn hội nhập, giao lưu mà người thầy và người học không biết ngoại ngữ thì vô phương.

Hãy cho cơ chế 

Hiệu trưởng một trường ĐH được thí điểm tự chủ khẳng định: “Khó có một quốc gia nào có thể bao cấp toàn bộ cho giáo dục ĐH mà bản thân các trường phải mạnh dạn tự chủ. Trong bối cảnh hiện nay mà đòi hỏi phải tăng ngân sách thì không thể. Do đó, không còn cách nào khác là phải cho cơ chế. Khi có cơ chế, chủ trương thì hệ thống các văn bản phải thay đổi. Thực tế hiện nay, nhiều trường tuy được thí điểm tự chủ nhưng vẫn còn gặp nhiều rào cản bởi các văn bản, quy định của các bộ, ngành. Do đó, khi có cơ chế, chủ trương thì Chính phủ cũng phải chỉ đạo quyết liệt để các bộ, ngành thực hiện, chứ đừng cho cơ chế rồi để tự thân các trường mò mẫm thực hiện và phải “xin - cho” ở các bộ, ngành.

Một điều quan trọng nữa là thực tế hiện nay có gần 80% cơ sở giáo dục ĐH thuộc các bộ, ngành khác là cơ quan chủ quản. Do đó, chúng ta phải gỡ bỏ cơ chế bộ chủ quản vì có quá nhiều quy định “trói” không cho các trường quyết định về vấn đề nhân sự, can thiệp nhiều vào chủ trương phát triển của trường. Xóa cơ chế chủ quản không có nghĩa là xóa sự quản lý của Nhà nước mà là xóa cơ chế quản lý mệnh lệnh hành chính từ các bộ, ngành. Không nên can thiệp vào công việc của nhà trường trong đầu tư, tổ chức cán bộ, định hướng đào tạo. Về xử lý tài sản công ở các trường thuộc các bộ, ngành, Nhà nước có thể giao cho công ty quản lý tài sản nhà nước quản lý để tránh thất thoát, lãng phí. Song song đó, với những trường đã được tự chủ, Bộ GD-ĐT cần bổ sung, điều chỉnh các quy định mang tính cứng nhắc để đảm bảo phát huy đầy đủ và thực chất quyền tự chủ của các trường. Ví dụ như quy mô đào tạo, chỉ tiêu đầu vào, tỷ lệ giảng viên ngoài cơ hữu…

Sinh viên quốc tế giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) chia sẻ: “Trong bối cảnh thực tế có quá nhiều điều kiện hạn chế như thiếu kinh phí, nhiều quy định ràng buộc…, một số trường đã nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo là điều rất đáng trân trọng. Chúng ta không thiếu người giỏi, song nếu cứ vẫn ì ạch với cơ chế và quy định cứng nhắc như hiện nay thì khó mà giữ được người tài có tâm huyết. Ở trường cũng có nhiều người giỏi, nhiều tiến sĩ trẻ nước ngoài tâm huyết về trường để cống hiến, có nhiều công trình công bố quốc tế đạt chỉ số trích dẫn thuộc hàng tốp của quốc tế, nhưng sau vài năm làm việc, họ bị lung lay ý chí. Có người phải ngậm ngùi trình bày, nói thẳng lý do vì họ không đủ sống, mua nhà phải trả góp, nên phải ra đi. Và trước tình thế này thì nhà trường không còn lý do gì để mà giữ chân họ”.

Không thể đứng ngoài xu thế quốc tế hóa

Tự chủ và xã hội hóa là xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam. Thực tế cho thấy, các trường ĐH Việt Nam đạt được chuẩn quốc tế trong nghiên cứu và giảng dạy sẽ là đòn bẩy vững chắc thúc đẩy tính cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế tri thức. Mong muốn của Chính phủ trong việc xây dựng 4 trường ĐH nghiên cứu đẳng cấp quốc tế hay ĐH xuất sắc đến năm 2020 sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có sự đầu tư đặc biệt của Nhà nước, cũng như thay đổi toàn diện về cơ chế tài chính, quản trị và thu hút nhân tài. Quan trọng hơn, cần có sự gắn kết chặt chẽ hệ thống giáo dục với nghiên cứu khoa học để tăng cường mối quan hệ mật thiết đến việc tập trung nguồn lực, xác định ưu tiên đầu tư cho vấn đề quốc sách hàng đầu, đó là giáo dục và khoa học.

Do đó, giải pháp “người sử dụng trả tiền”, nghĩa là học phí phải tăng, nếu các trường ĐH công muốn duy trì được tài chính để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, vì lý do công bằng, Nhà nước phải đưa ra nhiều loại học bổng và các khoản tín dụng hỗ trợ những sinh viên có năng lực nhưng cần giúp đỡ về tài chính để có thể theo học, đồng thời xây dựng lộ trình hoàn vốn sau khi người học ra trường.

Một giáo sư chuyên nghiên cứu về tài chính cho ĐH phân tích: Để có nguồn nhân lực trình độ cao có chất lượng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, không thể không cải cách tài chính trong giáo dục ĐH. Việc cải cách này phải trả lời 3 câu hỏi: Chi phí đào tạo cho một sinh viên/năm? Chia sẻ chi phí đào tạo? Làm thế nào để đảm bảo công bằng xã hội? Trong suốt mấy thập kỷ qua, cải cách tài chính luôn là 1 trong 3 mảng ưu tiên hàng đầu trong cải cách giáo dục ĐH trên thế giới. Để đảm bảo khả năng cạnh tranh của nền giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cũng như cạnh tranh về nguồn nhân lực ĐH, trước tiên là bài toán chi phí đào tạo bình quân cho 1 sinh viên trong 1 năm (chi phí đơn vị). So sánh các yếu tố, vị giáo sư này tính toán mức chi phí hợp lý phải cần đến khoảng 1.600 - 1.700 USD/sinh viên/năm, nghĩa là phải hơn gấp đôi con số hiện nay. Tuy nhiên, thực tế Nghị định 86 quy định mức học phí đối với hệ ĐH đến năm 2020-2021 cao nhất cũng chỉ là 14,3 triệu đồng/năm với nhóm ngành y dược.

Ở Việt Nam hiện nay, theo ước tính từ báo cáo của Bộ GD - ĐT cũng như qua khảo sát thực tế, chi phí đơn vị bình quân/sinh viên/năm (tính cả khấu hao cho cơ sở vật chất) khoảng 12 - 15 triệu đồng/năm, tương đương 600 - 700USD. Trong khi đó, từ những năm 2004-2005, bình quân ở Mỹ đã là 22.000 USD/năm; các nước châu Á - Thái Bình Dương khoảng 12.000 USD/năm; Đài Loan 7.000 USD/năm

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục