Bài 3: Khôi phục niềm tin

Người dân không thể là người tiêu dùng thông thái trong cuộc chiến bài trừ thực phẩm bẩn và cung cách kinh doanh vô trách nhiệm với cộng đồng. Để thực sự tạo chuyển biến về cải thiện chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý.
Bài 3: Khôi phục niềm tin

Thực phẩm an toàn - cuộc chiến giành lại niềm tin:

Người dân không thể là người tiêu dùng thông thái trong cuộc chiến bài trừ thực phẩm bẩn và cung cách kinh doanh vô trách nhiệm với cộng đồng. Để thực sự tạo chuyển biến về cải thiện chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý.

Quyết liệt xử lý, đẩy mạnh sản xuất an toàn

Việc TPHCM, Tiền Giang tiêu hủy đàn heo nhiễm chất cấm Salbutamol mới đây cho thấy sự kiên quyết của các cơ quan chức năng trong việc xử lý những vi phạm. Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết sau khi có sự phối hợp giữa Bộ NN-PTNT, Bộ Công an, Bộ Y tế, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã làm rất quyết liệt trong kiểm tra, xử lý các hành vi liên quan đến sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Qua rà soát bước đầu, nguồn chất cấm trong chăn nuôi là từ những đơn vị được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu về để bào chế thuốc trị bệnh cho người, nhưng lại bán ra thị trường trôi nổi. Đây là kẽ hở, vì vậy Bộ Y tế đã đưa các chất này vào sản phẩm được quản lý đặc biêt và có hậu kiểm (điều còn thiếu trước đây). Bên cạnh đó, theo Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1-7-2016, những tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ bị phạt nặng đến 3 tỷ đồng và bị cấm sản xuất, bị tiêu hủy đàn heo có chất cấm, mà còn có thể bị xử đến 20 năm tù. Có thể nói, đây là những hành động quyết liệt để răn đe người vi phạm, cũng là một trong những cách bảo vệ người tiêu dùng.

Song song đó là sự hỗ trợ và khuyến khích việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Tháng 10-2015, Sở NN-PTNT TPHCM đã vận động Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ mở rộng điểm bán thịt heo VietGAP, thay vì chỉ mở lò giết mổ gia súc tại huyện Củ Chi. Sở này cho biết khi Công ty An Hạ chấp nhận tham gia, ngành nông nghiệp TP mới có thể hoàn thiện chuỗi cung ứng thịt heo VietGAP từ khâu nuôi, giết mổ, vận chuyển đến phân phối. Điều đáng nói là trong khi thị trường “khát” thịt heo sạch, nhưng trước đó, khi Sở NN-PTNT vận động các nhà phân phối lớn tham gia vào chuỗi tiêu thụ, cung ứng heo VietGAP thì đều bị từ chối!

Điều đáng mừng là khi mở điểm bán thịt heo VietGAP đầu tiên vào tháng 10-2015 tại chợ Hòa Bình (quận 5), người tiêu dùng đã nhiệt tình xếp hàng chờ mua. Chính cú hích này đã kích hoạt nhiều ngành và đơn vị khác cùng tham gia. Hiện nay, ở TP có 308 điểm kinh doanh sản phẩm an toàn để người tiêu dùng an tâm lựa chọn. TPHCM đang đánh giá lại việc thực hiện mô hình ATVSTP để nhân rộng đến các chợ, siêu thị toàn TP, trước mắt làm thí điểm chợ Bến Thành và chợ đầu mối Hóc Môn.

Ngoài ra, để bảo đảm kiểm tra ATVSTP ngay tại nguồn, TPHCM đã phối hợp các tỉnh cung ứng hàng hóa sạch cho TP, lập đoàn liên ngành để thẩm định ngay từ nơi nuôi trồng, chế biến, giết mổ, cấp chứng nhận cho doanh nghiệp tham gia đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Hiện đã cấp được 76 chứng nhận cho 16 sản phẩm rau củ quả, thủy sản, thịt heo, thịt gia cầm... với sản lượng trên 37.700 tấn/năm.

Mua rau củ quả VietGAP. Ảnh: THÀNH TRÍ

Khắc phục kẽ hở trong quản lý

Trở lại câu chuyện bất cập về việc lấy mẫu kiểm tra rau quả tại các chợ đầu mối: hàng hóa về chợ đầu mối đều được test nhanh phát hiện định tính, có nghi vấn thì đưa đi kiểm tra định lượng, quy trình kiểm tra đến khi có kết quả  phải mất 5 - 7 ngày; lúc đó hàng hóa không an toàn đã chạy từ chợ đầu mối đến các chợ nhỏ quận, huyện và đã… bán hết cho người tiêu dùng!  Thực tế này cho thấy, không thể có sự kiểm soát chặt trong cơ chế phối hợp lỏng lẻo.

Để khắc phục những kẽ hở trong quản lý ATVSTP, vừa qua TPHCM đã có kiến nghị nên hướng đến việc thống nhất đầu mối, thành lập cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thay vì chia 3 sở chịu trách nhiệm như hiện nay. Đây là mô hình mà các nước phát triển đã làm từ lâu như Hà Lan, nhất là Mỹ với cơ quan FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ). Theo đó, tập trung quản lý tốt nguồn thực phẩm từ một đầu mối và có chức năng kiểm soát thực phẩm từ sản xuất đến lưu thông, phân phối, bán lẻ đến người tiêu dùng. Đồng thời nâng cấp các phòng xét nghiệm chuyên sâu giúp rút ngắn thời gian kiểm định. Để kiểm soát thực phẩm cần nhiều bên tham gia, từ việc quản lý chặt chẽ đường đi của những lô hàng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc cấm trong chăn nuôi và quản lý chặt thị trường. Để làm được điều này, cơ quan này kiểm định, cấp phép cho nhà sản xuất và kiểm tra, giám sát sản phẩm trong quá trình lưu thông, để xem xét sản phẩm có bảo đảm chất lượng và an toàn như cam kết không. Sau khi cấp chứng nhận, lấy mẫu giám sát định kỳ xem có duy trì điều kiện bảo đảm an toàn như ban đầu không. Đến khi vào chợ đầu mối, sản phẩm của các nhà cung cấp còn tiếp tục được lấy mẫu ngẫu nhiên để giám sát.

Nhưng dù thế nào cũng không thể giám sát toàn bộ lĩnh vực thực phẩm. Vì vậy, cần có chính sách cụ thể để thật sự khuyến khích người sản xuất ra sản phẩm an toàn thay vì chỉ chăm bẳm vào việc xử phạt. Giúp nâng cao nhận thức người sản xuất, không để họ “biết có hại mà vẫn làm” vì sự vô cảm và chạy theo lợi nhuận. Thực tế, người sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật độc hại còn ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ, vì môi trường xung quanh bị ô nhiễm. “Phải trồng rau bằng cả trái tim”, như cách nói của một doanh nhân Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư trồng rau quả sạch ở TP Đà Lạt, để xuất khẩu trở lại Nhật - khi anh vừa nói vừa đưa rau vào miệng nhai ngấu nghiến, ngon lành ngay tại cánh đồng!

Mới đây, Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Công thương đã kết nối 44 nhà cung ứng là các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất các mặt hàng nông sản an toàn VietGAP cho hơn 200 hiệu trưởng các trường mẫu giáo và phòng giáo dục ở 24 quận, huyện trên địa bàn TP. Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM cùng các Sở Công thương, Sở NN-PTNT, Sở Kế hoạch và đầu tư, các trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư của 20 tỉnh, thành phía Nam cũng tổ chức kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn và xây dựng dữ liệu vùng về đầu tư - thương mại. Đây là những hoạt động giúp kiểm tra và dễ dàng truy xuất sản phẩm nông, thủy sản ngay từ gốc - bước cơ bản để hàng nông, thủy sản sạch không chỉ an toàn khi đến tay người tiêu dùng trong nước, mà còn có thể dễ dàng nhận tấm giấy thông hành để xuất khẩu ra nước ngoài.


>> Bài 1: Vàng thau lẫn lộn

>> Bài 2: Người tiêu dùng tự cứu mình

THI HỒNG - ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục