Theo CNN, 4/10 vụ xả súng đẫm máu nhất tại nước Mỹ xảy ra ở Texas, địa điểm diễn ra vụ tấn công làm 20 người chết trong ngày 3-8. Còn theo số liệu của Liên hiệp quốc, trong năm 2018 có 14.611 người Mỹ đã chết vì súng đạn. Tỷ lệ này cao gấp 6 lần so với Canada, hơn 7 lần so với Thụy Điển. Trong khi đó, các cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), dân số Mỹ chiếm chưa tới 5% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu khoảng 45% vũ khí tư nhân của thế giới.
Kiểm soát súng đạn vốn không phải là vấn đề mới tại Mỹ, nhưng luôn nằm trong tâm điểm tranh cãi do nhiều vụ tấn công liên tiếp khiến dư luận bất an. Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới, hầu hết các ứng cử viên tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ cũng như nghị sĩ quốc hội đều lên tiếng đòi hỏi phải có những quy định kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn. Thế nhưng, điều này lại được xem là bài toán khó. Hàng loạt dự luật liên quan đến kiểm soát súng đạn đã được công bố ở Mỹ cả ở cấp độ bang và liên bang dựa trên cơ sở vừa đảm bảo an toàn cho người Mỹ, vừa tôn trọng được quyền cơ bản của người Mỹ trong hiến pháp. Lý thuyết là thế, nhưng trên thực tế các dự luật dù được công bố nhưng không thể phát huy tác dụng do những tranh cãi về mặt chính trị gay gắt giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đảng Dân chủ chủ trương ban hành nhiều luật kiểm soát súng đạn trong khi đảng Cộng hòa cho rằng việc ban hành nhiều luật sẽ không làm giảm bớt bạo lực, thậm chí còn xâm phạm các quyền được bảo vệ trong Hiến pháp Mỹ. Ngoài ra, lý do khác còn nằm ở sự vận động rất mạnh của các hiệp hội sản xuất vũ khí của Mỹ khiến dự luật này luôn gặp trở ngại.
Sau vụ xả súng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng hung thủ có vấn đề về tâm thần. Trái với quan điểm này, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định tình trạng sử dụng súng đạn bừa bãi là nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực súng đạn ở Mỹ và kêu gọi các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và giới chức chính quyền hợp tác cùng đảng Dân chủ nhằm thông qua dự luật siết chặt kiểm soát mua bán súng đạn được Hạ viện thông qua từ 6 tháng trước. Theo đó, dự luật này sẽ cho phép mở rộng việc kiểm tra lý lịch đối với gần như mọi trường hợp mua bán súng, bao gồm cả các vụ mua vũ khí tại các cuộc trưng bày vũ khí, thậm chí qua mạng Internet. Tuy nhiên, dự luật này cho tới nay vẫn chưa được thông qua do vấp phải sự phản đối gay gắt tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Ở cấp độ tiểu bang, nhiều bang đã ban hành các quy định bổ sung như: nâng độ tuổi hay bắt buộc kiểm tra nhân thân và tình trạng sức khỏe tâm thần của người sở hữu súng. Sau 2 vụ việc trên, nhiều bang cho biết sẽ cân nhắc ban hành các quy định kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn. Cũng có ý kiến lo ngại thực trạng thiếu nhất quán giữa các bang vẫn có khả năng tạo ra lỗ hổng khiến vấn đề kiểm soát súng đạn ở Mỹ khó phát huy hiệu quả.
Từ khoá :
Các tin, bài viết khác
-
Phần Lan, Thụy Điển chính thức nộp đơn gia nhập NATO
-
Lợi ích từ việc robot hỗ trợ phẫu thuật
-
Thời của máy bán hàng tự động
-
Iran sản xuất vaccine Covid-19 công nghệ Cuba
-
Quân đội Mỹ triển khai trở lại tại Somalia
-
Tây Ban Nha: Tai nạn tàu hỏa, hàng chục người bị thương
-
Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO
-
Sự thành công không thể đến từ lao động trẻ em
-
Mỹ loại 5 nhóm cực đoan khỏi danh sách khủng bố
-
Singapore có các ca nhiễm biến thể BA.4 và BA.5 đầu tiên