Chiến thắng áp đảo của liên minh đảng Dân chủ tự do (LDP) và đảng Komeito cầm quyền trong vòng bầu cử Thượng viện vừa qua đã tái khẳng định sự ủng hộ của người dân đối với chính phủ của Thủ tướng Abe. Nhưng để đáp lại sự kỳ vọng ấy, liên minh cầm quyền vẫn còn một bài toán kinh tế cần phải giải quyết.
Theo kết quả thăm dò dư luận sau bầu cử của hãng tin Kyodo, khoảng 56,4% người dân tỏ ra hoài nghi về kết quả mà chính sách Abenomics đem lại cho nền kinh tế Nhật Bản, tỷ lệ người ủng hộ chỉ khoảng 32%. Tỷ lệ ủng hộ nội các Nhật Bản ở mức 53%, giảm 0,3% so với tỷ lệ ủng hộ vào tháng 5 năm nay. Tỷ lệ phản đối nội các Nhật Bản tăng lên mức 34,7%, con số này trong tháng trước là 33%. Ý kiến thăm dò dư luận mới nhất đã cho thấy người dân đang đặt nhiều sự quan tâm về chính sách kinh tế của nước Nhật. Martin Schulz, chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Fujitsu cho rằng, sau chiến thắng ở bầu cử, Thủ tướng Abe nên đưa mục tiêu đẩy mạnh kinh tế lên hàng đầu. Hiện nay, giới tài chính Nhật Bản lo ngại những nỗ lực sửa đổi hiến pháp có thể khiến Thủ tướng Abe bị phân tâm khỏi các mục tiêu khôi phục kinh tế.
Thủ tướng Abe từng tuyên bố, bầu cử thượng viện lần này là một cuộc trưng cầu ý dân đối với chính sách kinh tế Abenomics mà ông khởi xướng. Theo ông, chiến thắng trong cuộc bầu cử là bằng chứng chứng minh các cử tri tin tưởng vào chính sách kinh tế của ông. Trong các chiến dịch tranh cử, LDP đã nêu bật những thành quả của Abenomics và khẳng định Abenomics đã giúp cải thiện thị trường lao động, tăng lương, giảm số vụ phá sản. Phía phe đối lập đã đưa ra nhiều lập luận cho rằng Abenomics đã thất bại hoàn toàn. Theo họ, thị trường lao động không hề cải thiện vì tỷ lệ tuyển dụng công việc bán thời gian tăng, trong khi tỷ lệ tuyển dụng toàn thời gian giảm. Mức lương trung bình không tăng mà chỉ tăng số lương trả cho các lao động bán thời gian. Bên cạnh đó, việc chính phủ có kế hoạch tiếp tục tăng thuế tiêu dùng từ mức 8% hiện nay lên 10% càng làm tăng gánh nặng kinh tế cho người dân. Cú sốc Brexit đã đẩy nhanh tốc độ tăng giá của đồng yên, khiến mục tiêu tăng lạm phát lên mức 2% của chính phủ trở nên khó khăn hơn và càng cản trở mục tiêu phục hồi nền kinh tế.
Trên thực tế, Abenomics đã thực thi được hơn 3,5 năm, nhìn vào số liệu tổng thể, nền kinh tế Nhật Bản đã thể hiện sự hồi phục nhất định. Tỷ lệ tăng trưởng GDP trên danh nghĩa lần lượt là 1,8% vào năm 2013, 1,5% vào năm 2014, 2,2% vào năm 2015 và 0,5% của 3 tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn còn nhiều mặt trì trệ. Nhận định về triển vọng của kinh tế Nhật Bản, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật xuống 0,5% năm 2016 và -0,1% năm 2017.
Trước kỳ bầu cử, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố đang cân nhắc thời điểm đưa ra gói kích thích kinh tế mới trị giá hơn 90 tỷ USD. Nếu diễn ra theo kế hoạch, gói kích thích này sẽ mang lại thêm nhiều động lực cho kinh tế nước Nhật. Theo giới phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế chưa thật sự có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong năm nay, liên minh cầm quyền Nhật Bản cần phải nỗ lực hơn nữa mới đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri.
THANH HẰNG