(SGGP).- Ngày 1-9, ông Huỳnh Minh Đoàn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL và Trường ĐH Y Dược TPHCM về đào tạo bác sĩ đa khoa cho ĐBSCL.
Trước đó, vào tháng 5-2011, Trường Đại học Y Dược TPHCM đã kết hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ xây dựng đề án “Đào tạo bác sĩ đa khoa theo địa chỉ sử dụng cho miền Tây Nam bộ và các tỉnh lân cận”. Đối tượng đào tạo là bác sĩ đa khoa hệ chính quy 6 năm (dành cho học sinh tốt nghiệp lớp 12) và hệ liên thông 4 năm (dành cho y sĩ). Theo đó, nếu được chấp thuận, Trường Đại học Y Dược TPHCM bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2011-2012, chỉ tiêu tuyển sinh năm đầu tiên là 200 sinh viên đào tạo 6 năm và 120 sinh viên đào tạo 4 năm.
Theo đề án, để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, Trường Đại học Y Dược sẽ kết hợp với Trường Cao đẳng Y tế và Trường Đại học Tiền Giang đào tạo phần lý thuyết tại 2 trường này. Từ năm thứ 2, thứ 3 trở đi, sinh viên sẽ thực tập tại 3 bệnh viện thực hành chính của Trường Đại học Y Dược TPHCM là: BVĐK tỉnh Tiền Giang, BVĐK tỉnh Bến Tre và BVĐK tỉnh Đồng Tháp... Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD-ĐT chỉ cho phép Trường ĐH Y Dược TPHCM đào tạo 120 bác sĩ đa khoa theo hình thức liên thông.
Tại cuộc họp, thông tin tuyển sinh từ Trường ĐH Y Dược cho thấy năm nay ĐBSCL chỉ có 359 thí sinh thi đậu vào trường, trong đó có 100 thí sinh đậu ngành bác sĩ đa khoa, còn lại hơn 300 TS có điểm thi từ 20 điểm trở lên.
Trước tình hình này, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các tỉnh ĐBSCL đồng loạt kiến nghị Bộ GD-ĐT và Chính phủ cho phép Trường ĐH Y Dược TPHCM đào tạo khoảng 200 chỉ tiêu bác sĩ đa khoa lấy từ nguồn thí sinh khu vực ĐBSCL có điểm “trên sàn dưới chuẩn” nêu trên.
H.Luông