Lại chuyện chợ Thanh Đa (Bình Thạnh)

Bản hợp đồng chưa hợp lý

Bản hợp đồng chưa hợp lý

Trong khi bên ngoài chợ Thanh Đa (phường 27, Bình Thạnh), 39 kiosque bị giải tỏa trắng chưa được giải quyết thỏa đáng (SGGP ngày 12-12-2005) thì bên trong chợ, hơn 100 hộ tiểu thương các ngành hàng lại hết sức bất bình vì bị buộc phải ký một hợp đồng mà theo bà con, tinh thần bản hợp đồng vi phạm quyền lợi của tiểu thương...

  • Những điều khoản bất hợp lý

Bản hợp đồng chưa hợp lý ảnh 1

Mặt tiền chợ Thanh Đa.

Ngày 7-9-2005, Ban quản lý (BQL) chợ Thanh Đa gởi thư mời các hộ tiểu thương bên trong nhà lồng chợ họp để triển khai làm thủ tục cấp phép đăng ký kinh doanh và hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh.

Theo tinh thần bản hợp đồng này, tiểu thương phải trực tiếp kinh doanh, không sang nhượng, ủy quyền, cho mượn, cho thuê. Nếu tiểu thương tự ý sang nhượng, cho thuê hoặc cho người khác mượn thì xem như không có nhu cầu kinh doanh, cũng như trong trường hợp UBND quận qui hoạch, sắp xếp lại chợ, BQL sẽ thu hồi lại mặt bằng.

Đã thế, khi thu hồi, tiểu thương phải bàn giao mặt bằng theo đúng thời hạn và không được bồi hoàn kinh phí sửa chữa sạp, kinh phí thiệt hại do ngừng kinh doanh đồng thời phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế và các khoản thu phí theo qui định của nhà nước về công tác quản lý chung của chợ.

Chị Dương Thị Mai, tiểu thương ngành hàng quần áo may sẵn trong nhà lồng chợ cho biết, nếu ký chúng tôi sẽ không có quyền nghỉ, không được ủy quyền cho con cái, người thân và nhất là không được sang nhượng khi không còn nhu cầu kinh doanh mặc dầu trước đó muốn vào chợ nhiều người đã phải sang sạp với giá hàng chục cây vàng và chỉ cần một sự cố nhỏ chúng tôi sẽ bị mất trắng. Đây là một bản hợp đồng gây bất lợi và nhiều rủi ro cho tiểu thương.

  • Bảo đảm quyền lợi của tiểu thương

Trả lời đơn kiến nghị tiểu thương, ngày 13-10-2005, ông Tần Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho rằng chợ Thanh Đa là chợ cấp quận. Mặt bằng chợ thuộc sở hữu nhà nước do nhà nước xây dựng bằng 100% vốn ngân sách và các tiểu thương không góp vốn đầu tư xây dựng chợ với bất kỳ hình thức nào. Vì vậy, muốn kinh doanh trong chợ các tiểu thương phải ký hợp đồng. Khi hết thời hạn hợp đồng, BQL chợ sẽ tái ký để tiểu thương tiếp tục kinh doanh ổn định với điều kiện trong quá trình kinh doanh không xảy ra vi phạm.

Trước lời giải thích của ông Tần Xuân Bảo, luật sư Trương Đình Tùng (Đoàn luật sư TPHCM) đã có ý kiến, việc xác định chợ Thanh Đa do nhà nước xây dựng hoàn toàn là không có căn cứ và không đúng sự thật. Chợ có từ trước 1975 đến nay vẫn như cũ không có bất cứ sự đầu tư nâng cấp nào. Tiểu thương đã kinh doanh từ hàng chục năm nay. BQL chợ còn quản lý thu phí chuyển nhượng quyền kinh doanh các sạp trong suốt thời gian qua. Vì vậy không thể ký hợp đồng như bản mẫu hiện nay vì hợp đồng không có điều khoản nào dành quyền tái tục đương nhiên cho bà con.

Hậu quả pháp lý khi chấm dứt hợp đồng trong mọi trường hợp thì bà con đều rời khỏi chợ vô điều kiện. Vậy, quyền kinh doanh trị giá bằng vàng mà bà con đã đầu tư, đã nhận chuyển nhượng và cả sự ổn định kế sinh nhai của bà con sẽ được giải quyết như thế nào ? Vì vậy, bà con nên yêu cầu nếu ký hợp đồng thì quyền tái tục và quyền kinh doanh sạp phải được bảo tồn trong mọi trường hợp.

Đã gần nửa năm trôi qua, việc ký hợp đồng tại chợ Thanh Đa vẫn dẫm chân tại chỗ. UBND quận Bình Thạnh và BQL chợ Thanh Đa cần xem lại những điều khoản chưa thật sự phù hợp với nguyện vọng của bà con trong bản hợp đồng này. 

LÊ DU AN

 

Tin cùng chuyên mục