Việc tăng dần độ tuổi nghỉ hưu đang được đặt ra và điều người dân lo nhất là nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì… lấy sức đâu mà làm việc? Thực tế, như các cơ quan chức năng đã thừa nhận, công nhân nhiều ngành, nghề rất khó trụ lại với nghề ở tuổi trên 40. Công nhân cạo mủ cao su sáng sớm đã lọ mọ đi làm. Công nhân dệt may, da giày, chế biến thủy sản… hàng ngày phải ngồi hoặc đứng suốt một tư thế nên 30 - 35 tuổi đã mắt mờ, chân yếu nên năng suất giảm, DN chỉ hăm he “thay máu” để tuyển lao động trẻ, khỏe. Bị bào mòn sức khỏe, chừng 40 tuổi, công nhân khó có thể làm việc tốt. Nhưng nghỉ hưu thì phải cả chục năm nữa mới đến tuổi, vậy khoảng thời gian đó, họ làm gì?
Tình cảnh làm không được, hưu không được là hệ quả của của việc nhiều DN tuyển và sử dụng lao động 18 - 20 tuổi chưa qua đào tạo nghề, chỉ huấn luyện qua loa chừng 3 tháng. Lao động chủ yếu làm việc bằng sức lực, còn kỹ năng ở trình độ thấp - làm một chi tiết hoặc một công đoạn trong dây chuyền sản xuất. Với đồng lương bèo bọt, công nhân phải vất vả tăng ca hoặc làm thêm bên ngoài để mưu sinh. Song nguồn lực con người có giới hạn. Sức lao động không được chăm lo sẽ nhanh chóng bị bào mòn. Khi năng suất giảm, đứng trước nguy cơ “ra đường”, người lao động khó có cơ hội tái hòa nhập vào thị trường lao động bởi trước giờ, chỉ quen làm một công đoạn.
Không những người lao động băn khoăn về tuổi nghề - tuổi hưu mà nếu không giải quyết được vấn đề thì nỗi băn khoăn của người lao động cũng trở thành cái khó cho nhà nước, gánh nặng xã hội. Cùng với mở rộng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đào tạo, dạy nghề cho công nhân, điều quan trọng là nâng cao nhận thức đầy đủ cho công nhân và lực lượng sắp bước vào độ tuổi lao động ý thức về việc làm bền vững: Không chỉ làm việc bằng sức lực mà phải bằng kỹ năng. Việc bố trí, dịch chuyển cơ cấu lao động cần tính đến câu hỏi cơ bản: Làm gì cho công nhân khi họ bước vào tuổi 40?
MẠNH HÒA