Băn khoăn về thí điểm lắp camera lớp học

Mặc dù đã có chủ trương thí điểm của UBND TPHCM về tăng cường giám sát, quản lý bằng camera tại cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP, nhưng mới đây, theo kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT, có đến 52% giáo viên không đồng ý gắn thiết bị này trong lớp học. 
Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí khiến nhiều chủ cơ sở lo ngại, trong khi các phòng GD-ĐT quận, huyện đau đầu về nhân sự quản lý. 
Ngổn ngang trăm mối lo
Theo báo cáo xây dựng kế hoạch tăng cường giám sát, quản lý bằng phương tiện kỹ thuật thí điểm tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2018-2020, Sở GD-ĐT cho biết hiện nay tỷ lệ gắn camera quan sát ở khu vực sân trường, hành lang để đảm bảo an ninh trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập là 47,95%.
Con số này cao hơn ở khối cơ sở ngoài công lập, với 72,94%. Tuy nhiên, với đề xuất gắn camera trong lớp học thì chỉ có 0,9% trường mầm non công lập và 4,48% trường ngoài công lập thực hiện.
Đáng nói, tại 3 quận - huyện đầu tiên được đề xuất thí điểm trong năm học 2018-2019 là quận 1, quận 12 và huyện Hóc Môn, có tới 72,2% giáo viên không đồng ý lắp camera trong lớp học để ban giám hiệu kiểm tra, giám sát hoạt động của cô và trẻ vì lo ngại mất tự nhiên, cảm giác bị cấp trên thiếu tin tưởng và luôn lo sợ sẽ mắc lỗi.
Băn khoăn về thí điểm lắp camera lớp học ảnh 1 Hiện nay camera mới được ưu tiên lắp đặt ở khu vực sân chơi cho trẻ mầm non
Một giáo viên (yêu cầu không nêu tên) của Trường Mầm non 30-4 (quận 1) bày tỏ: “Nếu nhất cử, nhất động của giáo viên đều bị camera quan sát ghi lại thì làm việc không còn thoải mái nữa. Một mặt vừa phải đảm bảo yêu cầu chuyên môn, mặt khác còn phải thể hiện sao cho đẹp, vừa mắt người quan sát”.    
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Tân Bình cho biết từng có trường hợp các cơ sở mầm non lợi dụng camera quan sát để thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Cụ thể, cơ sở A cử người qua nộp hồ sơ xin làm bảo mẫu ở cơ sở B. Sau đó, người này có những biểu hiện không đúng mực trước ống kính camera. Hình ảnh nhanh chóng lan truyền đến phụ huynh khiến cơ sở B mất uy tín.
Một rắc rối khác cũng được nhiều giáo viên chia sẻ là việc gắn camera quan sát làm giảm nhu cầu giao tiếp giữa phụ huynh với giáo viên, đồng thời tăng những bất hòa, hiểu lầm, thậm chí kiện cáo, do hiểu chưa đúng mức về phương pháp giáo dục.
Thực tế đó dẫn đến tâm lý mệt mỏi cho người dạy, khiến giáo viên có khuynh hướng “né mặt mình trên camera” trong các giờ sinh hoạt chung trên lớp.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ TPHCM với UBND quận 12 về quản lý giáo dục, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, cho biết phòng GD hiện nay mới dừng ở việc khuyến khích các cơ sở trang bị camera trên tinh thần tự nguyện chứ chưa thể ép buộc, vì còn liên quan nhiều vấn đề như nguyện vọng của phụ huynh, giáo viên, quy mô tổ chức nhóm lớp, nhân sự quản lý đối với các cơ sở có nhiều hơn một điểm trường…
Đủ kinh phí thực hiện?
Theo kế hoạch Sở GD-ĐT đang trình UBND TPHCM phê duyệt, công tác quản lý đầu thu camera sẽ do hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát.
Đối với cơ sở mầm non công lập, Sở GD-ĐT giám sát và quản lý. Với cơ sở ngoài công lập (gồm trường tư thục, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục), trách nhiệm quản lý thuộc về UBND quận, huyện.
Khi có sự cố xảy ra, hiệu trưởng có trách nhiệm phối hợp cung cấp dữ liệu, hình ảnh camera cho công an quận, huyện hoặc đơn vị chức năng có liên quan để xác minh, theo dõi. Trường hợp trẻ có biểu hiện bất thường, phụ huynh có thể vào trường yêu cầu xem lại băng ghi hình. 
Với quy định này, đại diện Phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, địa phương có tất cả 1.332 phòng học mầm non (cả công lập và ngoài công lập). Tại huyện Hóc Môn, tính đến cuối năm học 2017-2018 có 896 phòng học ở bậc mầm non, trong đó mới có 67 phòng học ở các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trang bị camera trong lớp học, còn lại hầu hết cơ sở chỉ gắn camera tại sân chơi, khu vực hành lang, cầu thang, cổng...
Như vậy, mới chỉ tính riêng 3 quận, huyện thí điểm thì đã có hơn 3.000 chiếc camera cần được trang bị trong lớp học, đòi hỏi nguồn kinh phí tổ chức và nhân sự quản lý không hề nhỏ. 
Tại nhiều quận - huyện, kinh phí lắp camera tại các trường mầm non công lập hiện nay dựa vào nguồn tích lũy của đơn vị, có kết hợp các nguồn xã hội hóa. Riêng đối với cơ sở ngoài công lập, chủ trường phải tự túc toàn bộ chi phí vận hành và lắp đặt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số trường học đã nhận được báo giá từ các công ty lắp đặt. Cụ thể, để trang bị đầy đủ camera cho một cơ sở giáo dục có 10 phòng học mất tổng chi phí hơn 100 triệu đồng.
Tại các trường lớn, trường có nhiều điểm lẻ thì con số này còn nhiều hơn. Hiệu trưởng một trường mầm non công lập ở quận 1 bày tỏ, dù được một số mạnh thường quân nhận tài trợ chi phí lắp đặt nhưng trường vẫn chưa mạnh dạn triển khai trong lớp học, vì nếu đưa vào sử dụng còn đi kèm phí bảo trì, sửa chữa.
“Số lượng thiết bị khá lớn, thời gian sử dụng dài ngày, nên nếu không có quy định rõ ràng về kinh phí sẽ đẩy cái khó về phía các đơn vị”, vị này bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục