Có người trẻ, sự thành đạt của họ được xây dựng trên nền tảng vững chắc của gia đình. Nhưng cũng không ít sự thành công trong cuộc sống được tạo nên bởi chính hoàn cảnh khốn khó. Gặp Phạm Thị Kim Hương, một giám đốc điều hành (CEO) khá thành công trong lĩnh vực dịch vụ vệ sinh công nghiệp, tôi luôn tự hỏi, nếu cuộc đời bằng phẳng có đem lại cho cô gái trẻ những thành quả đáng nể như hôm nay không? Quan trọng hơn tất cả chính là ý chí, là nghị lực vươn lên.
Khởi nghiệp từ 11 triệu đồng
Mặc dù đã được nghe kể khá nhiều nhưng khi gặp Phạm Thị Kim Hương, tôi vẫn không khỏi bất ngờ trước những cái lạ ở nữ doanh nhân 8X. Mang vẻ đẹp tinh khôi, đằm thắm của cô gái miền sông nước với nước da trắng, mái tóc dài, gương mặt sáng nhưng “người đẹp sông Tiền” của Trường Trung học Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang năm nào lại chọn lối đi riêng. Cô tạo dựng sự nghiệp cho mình từ lĩnh vực mà theo cách nhìn của nhiều người thì không mấy sang trọng - ngành dịch vụ vệ sinh công nghiệp. Dù đã có những thành đạt ban đầu trong cuộc sống nhưng Hương dung dị, chân tình, mộc mạc đến… bình dân.
Mới tuổi 33 nhưng cô gái trẻ này đã tạo dựng được thương hiệu, khẳng định mình trong ngành dịch vụ vệ sinh công nghiệp với lượng khách hàng lớn nhỏ lên đến trên 400, chiếm khoảng 70% thị phần cả nước, giải quyết việc làm cho hơn 3.400 lao động. Bất ngờ nhất là sự nghiệp này được khởi đầu từ 8 năm trước đó với số vốn ban đầu chỉ 11 triệu đồng.
Nét cương nghị phảng phất trên gương mặt Hương như không còn nữa khi cô kể về gia cảnh cùng những tháng năm cơ cực. Hương nhớ như in, chỉ 3 ngày sau khi nhận tin trúng tuyển vào Đại học Ngoại thương TPHCM, người cha thân yêu, cũng là lao động trụ cột trong gia đình đến 6 đứa con bất ngờ bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Biến cố ấy đã khép lại cánh cửa vào đại học đang rộng mở chào đón cô.
“Vào Bệnh viện Chợ Rẫy được 3 ngày thì ba hôn mê sâu. Máu tụ màng não, người ba tím tái, chỉ cần rút ống ra là ba đi”, Hương nhớ lại. Cô vẫn không thể nào quên hình ảnh anh hai đứng dưới gốc cây trong khuôn viên bệnh viện, khi nghe điện thoại của ai đó xong anh hai của cô quỵ xuống rồi nói với em gái mình: “Bé Hương phụ anh hai đưa ba về quê…”. Tim cô như có ai đó bóp nghẹt. Cảm giác bất lực lúc đó khó chịu lắm, không chấp nhận nổi sự thật. Nhưng cuối cùng ba cô cũng qua được cơn nguy kịch khi được một ân nhân - ông chủ của công ty chị cô thấy cảnh chạnh lòng nên nhiệt tình hỗ trợ chi phí để cứu chữa. Sau 49 ngày nằm viện, cả nhà cô như vỡ òa khi nhìn thấy ba cô biết rơi nước mắt. Ba Hương xuất viện được đưa về quê tiếp tục chữa trị, cũng là lúc món nợ của gia đình ngày càng chồng chất, khi mỗi ngày phải chi thêm khoản tiền không nhỏ để mua thuốc cho ba. Gặp anh chị em Hương lúc đó, ai cũng sợ bị mượn tiền, thậm chí có lời dè bỉu, những lời nói xúc phạm để những người nghèo có lòng tự trọng càng thêm tổn thương.
“Mà người ta sợ mình làm phiền cũng đúng thôi vì thời điểm đó xung quanh nhiều người nghèo quá. Để cứu ba, thấy ai có khả năng, tụi em đều vay mượn. Đến giờ gia đình Hương vẫn còn nợ 14 triệu đồng của một tấm lòng, nhưng không biết làm cách nào để trả người ta”, Hương chia sẻ.
Quản trị bằng chữ tâm
Cái nghèo khó, sự túng quẫn càng tiếp thêm ý chí để Hương vươn lên. Thi lần nữa đậu vào Trường Cao đẳng Tài chính Kế toán 4, cô dồn sức cho việc học từ thứ hai đến thứ sáu; tranh thủ thứ bảy, chủ nhật đi làm thêm. Tốt nghiệp, Hương lần lượt làm việc qua các công ty lớn về viễn thông. Tuy nhiên, với mức lương 2,8 triệu đồng mỗi tháng, sau khi mua sữa, thuốc bổ não, quà bánh và một ít tiền tiêu vặt gửi về cho ba là Hương sạch túi.
Một lần nói chuyện với một chị tạp vụ trong công ty, Hương mới biết chị này là nhân viên vệ sinh bên ngoài được công ty thuê đến làm. Sau khi tìm hiểu thấy loại hình kinh doanh dịch vụ này không cần vốn liếng nhiều, Hương mạnh dạn thành lập công ty, đặt văn phòng tại chung cư mình ở. Hợp đồng đầu tiên cô ký được với một ngân hàng chỉ 3 nhân viên. Sau khi lấy được uy tín ở hợp đồng đầu tiên này, vị khách hàng lớn ký tiếp hợp đồng với công ty của Hương làm việc tại các chi nhánh, vệ sinh các buồng ATM trong toàn hệ thống… Khi nhân viên lên đến hàng trăm người, Hương thi đậu vào Trường Đại học Kinh tế (Khoa Quản trị - Kinh doanh). Vừa học vừa làm, kiến thức trên giảng đường và thực tế bổ trợ cho công việc của cô. Nhờ đó, cô biết cách quản trị nhân viên theo chuỗi với một doanh nghiệp có số lượng lao động lên đến hàng trăm người.
Theo kinh nghiệm của CEO 8X này, để quản trị hiệu quả một doanh nghiệp với hàng ngàn nhân viên không khó. Nhưng cái khó trong lĩnh vực đặc thù mang tính cạnh tranh khốc liệt của ngành dịch vụ vệ sinh công nghiệp chính là vấn đề con người. Tiền đối với người nghèo khó rất quan trọng nên nếu đối thủ gợi ý trả lương cho nhân viên cô nhích hơn một chút là người lao động có thể bỏ đi. Thời gian đầu là như vậy, nhưng làm việc lâu ngày với công ty của Hương, những người lao động cảm nhận được, quan trọng hơn tiền đó là tình cảm của người lãnh đạo. Chính việc quản trị bằng cái tâm giúp Hương đạt được thành công như hôm nay.
Dù ngày hay đêm, cô thường xuyên có mặt bên người lao động và cùng xắn tay áo để dọn dẹp vệ sinh, thậm chí chà rửa toilet với họ. Hương trải lòng, ngày xưa khi chưa lấy ba cô, mẹ cô cũng giúp việc nhà cho người ta. Để nuôi 6 đứa con lớn khôn, mẹ cô phải tất tả làm thuê, làm mướn. Không ít lần bị chủ la mắng, xúc phạm nhưng mẹ cô vẫn cắn răng chịu đựng để kiếm tiền nuôi con. “Cùng làm công việc với nhân viên, tôi càng thấu hiểu được những vất vả của họ. Có tôi bên cạnh, nhân viên cảm thấy được ấm lòng hơn. Chính nỗi nhọc nhằn của đời mẹ càng cho tôi cái nhìn chia sẻ, cảm thông. Cuộc đời khổ cực từ mẹ đã dạy cho tôi biết cách quản trị con người”, Hương nói. Do vậy với CEO 8X này, không cần phải làm từ thiện ở đâu xa mà ngay tại công ty của mình, nơi có hàng ngàn người lao động nghèo khó.
VÂN ANH