
Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) có nhiệm vụ cấp giấy đăng ký quyền tác giả cho sản phẩm hàng hóa. Thế nhưng, thực tế thì ngược lại và doanh nghiệp phải gánh hậu quả... sản phẩm không tiêu thụ được, cuộc sống người lao động khó khăn.
Cạnh tranh không lành mạnh?
Trong đơn gửi Báo SGGP, ông Nguyễn Lâm Duy Phương, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Nguyễn Long (số 29 Nguyễn Phúc Chu phường 15 quận Tân Bình TPHCM), bức xúc: “Công ty Nguyễn Long chuyên nhập khẩu, phân phối bột sản phẩm rau câu (Jelly Powder) mang nhãn hiệu thương mại Dragon tại thị trường Việt Nam, được khách hàng tín nhiệm. Thế nhưng, thời gian gần đây công ty bị khốn đốn vì những thông tin thất thiệt. Trên một số trang web và phương tiện truyền thông “rộ” lên thông tin công ty làm hàng nhái sản phẩm của đơn vị khác. Ở chợ Bình Tây (quận 5), Ban quản lý chợ đã dùng loa thông báo công khai “bột rau câu của Công ty Nguyễn Long làm nhái bột rau câu của Công ty Thu Hiên đang phân phối”(?). Trước thông tin này, cán bộ Công ty Nguyễn Long hỏi thì được nhân viên chợ trả lời: “Chúng tôi được thông báo theo quyết định của Cục Bản quyền tác giả”.
Bên cạnh đó, Công ty Nguyễn Long liên tục được các cơ quan quản lý nhà nước “thăm hỏi”, kiểm tra sản phẩm.
Ngày 24-3-2009, theo “nguồn tin cung cấp”, Đội Quản lý thị trường 3A (Chi cục Quản lý thị trường TPHCM) đã tiến hành kiểm tra công ty nhằm làm rõ tính pháp lý trong hoạt động kinh doanh sản xuất; hàng hóa xâm phạm bản quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa.
Ngày 1-12-2009, căn cứ đơn khiếu nại số 67/2009/VV-TH, Đội Cảnh sát điều tra và trật tự quản lý kinh tế và chức vụ quận Tân Bình đã làm việc với Công ty Nguyễn Long xung quanh việc vi phạm bản quyền sở hữu công nghiệp.

Kết quả các lần kiểm tra đều có chung kết luận “không có dấu hiệu vi phạm”! “Được vạ, má đã sưng”, các lần kiểm tra “đột xuất” đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, hàng hóa tiêu thụ chậm, thu nhập của người lao động bị giảm sút. Phải chăng, đây là hậu quả của việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp?
Trách nhiệm thuộc về ai?
Để đảm bảo uy tín khách hàng cũng như xây dựng thương hiệu trên thương trường, Công ty Nguyễn Long đã thực hiện đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa theo đúng quy định pháp luật. Ngày 7-11-2008, Cục Bản quyền tác giả đã cấp Giấy chứng nhận số 4112/2008/QTG, đăng ký quyền tác giả cho mẫu bao bì cho sản phẩm của công ty. Ngoài ra, Sở Y tế TP đã cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm bột rau câu, thời hạn sử dụng là 2 năm.
Trong lúc sản phẩm của công ty đang lưu thông trên thị trường, ngày 23-9-2009, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Vũ Mạnh Chu, lại ký Quyết định (QĐ) 55, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 4112/2008 đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng “Hình thức thể hiện trên bao gói bột rau câu (Jelly Powder) cho Công ty Nguyễn Long vì đã sao chép tác phẩm mỹ thuật ứng dụng “Hình thức thể hiện mẫu thiết kế bao bì bột agar-agar Jim Willie KonnyyakuJelly” của Jim Willie Trading Company PTE Limited; đồng thời vi phạm quyền độc quyền sao chép, quy định tại điểm c khoản 1 điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
Quyết định này cho rằng “sản phẩm của Công ty Nguyễn Long vi phạm bản quyền và yêu cầu hủy quyết định định số 4112 đã ban hành trước đó”. Hung tin từ “trên trời rơi xuống” khiến cho việc kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng, người tiêu dùng hoang mang, còn một số doanh nghiệp khác lợi dụng tung tin nói xấu sản phẩm của công ty.
Trước quyết định thiếu căn cứ này, Công ty Nguyễn Long đã có văn bản phản ứng và gần 2 tháng sau, ngày 16-11-2009, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả lại có QĐ số 58, hủy hiệu lực thi hành QĐ 55, vì có sai sót trong kiểm tra, đối chiếu hồ sơ.
Đến đây thì đã rõ. Nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt, những lần kiểm tra “đột xuất” của cơ quan chức năng… một phần là xuất phát từ việc làm bất nhất của Cục Bản quyền tác giả. Thực tế cho thấy sai sót chết người nêu trên đã gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và rốt cuộc thì “được vạ, má đã sưng”!
TRẦN YÊN