
Sự thống trị của các công ty dược phẩm toàn cầu trong việc cung cấp thuốc cho những quốc gia nghèo nhất của thế giới là vấn đề lớn nhất được đưa ra tại cuộc họp thuờng niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) diễn ra trong tuần này ở Geneva.

Theo báo cáo của “Cơ quan Quyền bản quyền sở hữu trí tuệ, Cải tiến và Y tế cộng đồng” thì hệ thống nghiên cứu và phát triển cũng như vấn đề giá cả của các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia hiện nay không đáp ứng được các nhu cầu y tế của các nước đang phát triển.
Thực chất, các hệ thống này chỉ phục vụ lợi ích tìm kiếm lợi nhuận cho các “đại gia” dược phẩm. Giá thuốc trên thế giới hiện đang ở mức “trên trời”; trong khi hầu như không có hoặc rất ít công trình nghiên cứu sản xuất thuốc dành cho thế giới đang phát triển - khu vực có nhu cầu lớn nhưng lợi nhuận lại thấp. Nền công nghiệp dược phẩm là một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận nhất trên thế giới với 500 tỷ bảng mỗi năm.
Các “đại gia” trong ngành này biện hộ rằng họ cần phải bảo vệ bằng sáng chế để thu lại các chi phí dành cho nghiên cứu phát triển mà dự đoán lên đến 500 triệu bảng mỗi loại thuốc. Thế nhưng đa số khoản chi phí này là để tìm ra những phương cách chữa trị cho những bệnh vô thưởng vô phạt như… hói đầu; trong khi những bệnh cấp bách đe dọa sinh mạng hàng triệu con người như bệnh lao lại rất ít được chú ý. Tính từ năm 1975 đến 2004, chỉ có 20 trong số 1.500 loại thuốc mới đưa ra thị trường toàn cầu là để điều trị các bệnh vùng nhiệt đới và bệnh lao.
Bên cạnh đó, hệ thống luật lệ chặt chẽ hơn trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bảo vệ các quốc gia có nền công nghiệp nghiên cứu gien phát triển đã khiến khả năng thoát khỏi các luật bảo vệ bằng sáng chế bị thu hẹp hơn bao giờ hết.
Nói như Ellen’t Hoen, Giám đốc chiến dịch “Tiếp cận các loại thuốc hiện nay” của tổ chức Thầy thuốc không biên giới: “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tất cả các loại thuốc đều phải có bằng sáng chế” (!). Điều đó có nghĩa là nhiều quốc gia phải đàm phán với một công ty dược phẩm để có được loại thuốc mà mình cần với giá thấp hơn. Trong cuộc chơi đó, chỉ có các công ty dược phẩm được lợi, trong khi chỉ một vài quốc gia là có thể tiếp cận được loại thuốc mong muốn.
Có những ý kiến cho rằng chính phủ các nước có những “đại gia thuốc” cần đưa ra một hệ thống thay đổi để nghiên cứu và phát triển thuốc và bằng sáng chế các loại thuốc quan trọng cần phải bãi bỏ đối với các quốc gia nghèo. Tại hội nghị của WHO lần này, những người tham dự sẽ bỏ phiếu cho những đề nghị tăng áp lực mạnh mẽ lên các công ty dược, các chính phủ và WHO để cải tổ hệ thống sản xuất và phân phối thuốc thế giới phát triển.
Tuy nhiên, ít có hy vọng để có thể xem những ý kiến đóng góp cải tổ hệ thống phân phối thuốc sẽ trở thành một khung làm việc toàn cầu, nhưng vẫn hy vọng rằng từ đây sẽ là một sự khởi đầu…
ĐỨC ANH (Theo The Independent)