Bản quyền văn học trên mạng-Còn thiếu ý thức từ cả hai phía

Sau khi Báo SGGP đăng tải bài viết về vấn đề bản quyền tác phẩm văn học trên mạng, có nhiều ý kiến gửi đến đóng góp, chia sẻ về vấn đề này. Để mở rộng thông tin, chúng tôi đã trao đổi với bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam.

- Phóng viên: Theo bà, hiện nay tình trạng vi phạm bản quyền văn học của các nhà văn trong nước trên các trang web, hệ thống mạng, đang diễn tiến như thế nào? Xin bà cho biết một vài ví dụ điển hình vi phạm.

ĐOÀN THỊ LAM LUYẾN:  Theo chúng tôi, việc vi phạm bản quyền văn học đang thực sự trở thành một thách thức lớn cho chủ sở hữu hợp pháp các tác phẩm. Có thể kể ra đây các dạng vi phạm điển hình như: tiến hành số hóa các tác phẩm văn học; kinh doanh sách điện tử (ebook) thông qua việc cho phép đọc, truy cập, sao chép và lưu trữ trên các website;  sao chép cá nhân bằng các kỹ thuật hiện đại… Tất cả các hoạt động này hiện nay hầu hết đều được tiến hành mà không xin phép tác giả và không hề trả tiền bản quyền. Nếu các bạn lên Internet có thể dễ dàng tìm, đọc và tải về các tác phẩm văn học trên các website. Trong số này, có 2 website vi phạm đã bị xử lý là www.songhuong.com.vnwww.sahara.vn.

- Cho đến nay, trung tâm đã làm gì trước tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra tràn lan như vậy. Bà có thể cho biết những thuận lợi hay khó khăn khi bảo vệ quyền lợi của tác giả có tác phẩm bị vi phạm bản quyền?

Hiện chúng tôi đang quản lý hàng ngàn tác phẩm và với từng tác phẩm, từng đối tượng sử dụng, chúng tôi có những cách thức riêng để bảo vệ các tác giả. Chúng tôi xin được đề cập đến 2 trong số nhiều phương pháp đang được áp dụng. Đầu tiên là với những đơn vị sử dụng tác phẩm tại Việt Nam, có tinh thần hợp tác và cần có thời gian để điều chỉnh hoạt động, cân đối kinh phí cho việc chi trả tiền bản quyền. Trường hợp này chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục gửi công văn cảnh báo, đồng thời liên hệ đàm phán với các đơn vị. Thứ hai là đối với các đơn vị sử dụng ở nước ngoài, hoặc các đơn vị sử dụng tại Việt Nam nhưng bất hợp tác, chúng tôi đang tiến hành chuẩn bị các bước để yêu cầu cơ quan nhà nước can thiệp.

Luật sư của chúng tôi đã tiến hành phân tích kỹ càng các yếu tố pháp lý cùng các chứng cứ về việc vi phạm bản quyền trên Internet. Chúng tôi tin những chuẩn bị này là chu đáo để có thể làm việc hiệu quả nhất với các đơn vị sử dụng tác phẩm văn học.

Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi liên lạc với chủ nhân thực sự của các website đang sử dụng, kinh doanh bất hợp pháp tác phẩm văn học. Họ thường xóa bỏ chứng cứ và đổ lỗi cho những người truy cập website.

Thật ra, khó khăn lớn nhất chính là ý thức tôn trọng bản quyền của người kinh doanh, sử dụng tác phẩm văn học qua mạng còn quá kém. Chúng tôi lại đang được hỗ trợ rất nhiều cả về pháp lý và kỹ thuật của các cơ quan nhà nước, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tâm huyết. Những hỗ trợ này đang giúp Trung tâm triển khai tốt các hoạt động trong giai đoạn mới.

- Theo bà, hiện nay cần làm những gì để đảm bảo quyền lợi của các tác giả, đồng thời phát triển, phát huy văn hóa đọc trên mạng?

Tất nhiên một mình trung tâm thì không thể làm gì được. Tôi nghỉ việc đầu tiên là phải thay đổi nhận thức, ý thức của người sử dụng tác phẩm. Trước tiên là những người dùng tác phẩm văn học để kinh doanh. Tiếp theo đó, chính các tác giả, những người đầu tiên bị ảnh hưởng về việc vi phạm bản quyền cũng phải ý thức được quyền lợi của chính mình. Nhiều tác giả thấy hạnh phúc khi tác phẩm của mình bị sao chép trên mạng và đến khi nó bị “phát tán” quá mức thì mới giật mình nhưng đã muộn. Nhiều tác giả khác lại dễ dàng ký các hợp đồng cho phép sử dụng với website nào đó mà không hề quan tâm đến các điều khoản về bản quyền.

Phải nhắc lại, chúng tôi ủng hộ nhiệt liệt văn hóa đọc trên mạng, chỉ có điều, những người kinh doanh cần quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của những tác giả như chúng tôi.

- Có một số nhà văn đang muốn được trung tâm hỗ trợ bảo vệ quyền lợi. Bà có thể cho biết những điều kiện cơ bản để trung tâm có thể đại diện tác giả trong vấn đề này.

Điều kiện rất đơn giản. Không chỉ nhà văn mà còn cả các nhà thơ, những người nhận thừa kế, nhận chuyển giao quyền tác giả đều có thể được trung tâm hỗ trợ quyền lợi. Họ chỉ cần ký với trung tâm một hợp đồng ủy thác quyền, và cập nhật cho chúng tôi danh sách tác phẩm. Hợp đồng ủy thác quyền này là hợp đồng mẫu với những điều khoản nhằm bảo vệ các tác giả, các chủ sở hữu quyền. Để có được hợp đồng này, chỉ cần liên hệ với trung tâm theo địa chỉ: Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, số 90/81 Lạc Long Quân, Hà Nội hoặc Chi nhánh Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam, số 013 Lô 2, 1 Bis Nguyễn Đình Chiểu, Q1, TPHCM.

Tường Vy thực hiện

Tin cùng chuyên mục