Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong:

Bản sắc văn hóa - một “đối tác” bằng trí tuệ

Bản sắc văn hóa - một “đối tác” bằng trí tuệ

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong (Đại học Kent, Mỹ), người dành tâm huyết cho ngành Dân tộc nhạc học ở Việt Nam và thế giới trong nhiều năm qua, vừa về nước tham dự hội thảo “Những yếu tố Phật giáo trong nghệ thuật dân tộc”, tổ chức tại Hà Tây. Nhân Việt Nam sắp được chấp thuận gia nhập vào WTO, phóng viên đã có cuộc tiếp xúc, trao đổi ngắn với ông.

°Thưa giáo sư, với cái nhìn từ bên ngoài về đất nước, suy nghĩ của ông thế nào về tình hình Việt Nam sắp được gia nhập WTO?

Bản sắc văn hóa - một “đối tác” bằng trí tuệ ảnh 1

GSTS Nguyễn Thuyết Phong (phải) đang hòa nhạc cùng nhạc sĩ Vĩnh Bảo.

°Tôi hết sức vui mừng khi nước ta thực sự nhập cuộc trong hoạt động Tổ chức Thương mại Thế giới. Tuy nhiên, cần phải có sự chuẩn bị sáng suốt rất nhiều mặt trong đó có văn hóa nghệ thuật, vì lẽ, có thể nói kinh tế mang theo văn hóa và ngược lại. Cần tái xác định vị trí văn hóa đất nước Việt Nam trước thế giới trong sự giao lưu và hội nhập. Hội nhập bằng nhiều cách.

 Điều không thể tránh là có những cái ta được, có những cái ta mất một khi chấp nhận đi vào quỹ đạo mới này. Chúng ta cần những bước đi tỉnh táo. Không phải làm vui lòng khách bằng cách bắt chước, tìm cách làm cho lai tạp với người nước ngoài để được cảm tình. Văn hóa đích thực không thể bắt chước, vì văn hóa là sản phẩm trí tuệ và đặc trưng của loài người ở từng nhóm dân tộc. Khi thể hiện nghệ thuật, chúng ta cần trưng bày cái đặc sắc nhất không ai có thể có, đó mới gây sự chú ý, sự ái mộ của quốc tế.

°Trong việc thể hiện bản sắc văn hóa, giáo sư có thể cho biết kinh nghiệm từ một đất nước châu Á nào đã “vào” WTO trước chúng ta?

°Gần đây nhất có thể nói là kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc. Tôi xin đơn cử trường hợp Hàn Quốc. Phần biểu diễn trong Thế vận hội vừa qua, Hàn Quốc đã đưa ra cái độc đáo nhất của dân tộc là Nong-Ak (Nông Nhạc), một thể loại múa dân gian hoành tráng, màu sắc, tiết tấu và những yếu tố âm nhạc thật độc đáo khác, đã làm cả thế giới sửng sốt trước cái đẹp “rất Hàn Quốc”, không ai có được.

Trong dịp khác, được mời tham dự lễ khánh thành Nhà hát Ca múa nhạc truyền thống quốc gia của Công nghiệp nhạc viện quốc gia, chúng tôi rất ngạc nhiên trước tinh thần dân tộc thật mạnh mẽ của người Hàn Quốc. Bởi họ đang tiến lên, nhanh chóng, mạnh mẽ nắm bắt, vận dụng khoa học kỹ thuật Âu Mỹ, thế mà vẫn không quên bảo vệ, bảo tồn và phát huy vốn quý của văn hóa dân tộc.

Được cử là đại diện cho 18 đoàn của thế giới tham dự để đáp lại lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hàn Quốc trong buổi lễ, tôi đã nêu: “Âm nhạc P’iri (một loại kèn trúc Hàn Quốc) đi từ hơi thở của loài người, mang theo bản sắc văn hóa đặc trưng dân tộc, không thể nhầm lẫn và không thể cải biên nào có thể tốt hơn cái tinh hoa sâu sắc ấy. Giá trị cao đẹp của nó là một đóng góp đặc trưng cho nhân loại. Xây dựng một nhà hát chỉ chuyên về nghệ thuật truyền thống nhưng tầm cỡ ở vào hạng lớn nhất châu Á, đã chứng tỏ sự quan tâm, chăm sóc, giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc rất cao của người Hàn Quốc.

°Thưa giáo sư, như vậy, xem ra giữ gìn “bản sắc văn hóa dân tộc” càng là cái cốt lõi trong quá trình vào WTO?

°Tất nhiên còn rất nhiều chuyện khác để bàn ở từng lĩnh vực như vấn đề chất lượng sản phẩm, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, luật pháp... Tôi cho rằng, dù đây chủ yếu là cuộc hội nhập kinh tế, nhưng nó sẽ kéo theo rất nhiều những yếu tố khác có tầm ảnh hưởng đến tri thức nhân loại. Nếu không tự tin, tự hào, giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc, di sản văn hóa dân tộc, chúng ta sẽ bị hụt hẫng và thiếu phần đóng góp cao trong quá trình hội nhập, giao lưu . Càng đi sâu vào hội nhập, ta càng nên chứng tỏ được một bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, một “đối tác” bằng trí tuệ Việt Nam sáng trong...

°Xin cảm ơn giáo sư.

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục