
Ông ngã bệnh đột ngột sau khi dịch xong bản tin thứ 116, tháng 5 năm 2008. Một người ham hoat động, mê làm việc, đặc biệt là công việc dịch thuật những tài liệu từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Việt, bỗng nhiên phải nằm bất động một chỗ vì căn bệnh tai biến mạch máu não làm ông vô cùng đau khổ.
Lúc anh chị em ở Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba TPHCM về Cần Thơ thăm ông, ông còn hứa hẹn “Sau đợt bệnh này, tôi sẽ dịch tiếp tờ tin thứ 117, không nên để gián đoạn lâu quá, có nhiều thông tin mới cần được chuyển đến mọi người kịp thời...”.

Ông Nguyễn Hoàng Kính (bìa trái) cùng các bạn Cuba tại buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh Cuba.
Từ năm 1961, sau khi cách mạng Cuba thành công và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Kính là một trong 21 sinh viên Việt Nam đầu tiên giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp được Chủ tịch Fidel đưa sang Cuba đào tạo tiếng Tây Ban Nha để trở thành một cán bộ ngoại giao.
Ông đã từng công tác nhiều năm tại Cuba, Chilê nên tình cảm ông dành cho các nước Mỹ Latinh cũng thật sâu đậm. Đối với ông, việc dịch những tài liệu về đất nước Cuba, những bài phát biểu, bài nói chuyện của đồng chí Fidel và những thông tin nóng hổi từ đất nước Cuba không chỉ là nghĩa vụ mà còn là tình cảm của mình dành cho đất nước này.
Không chỉ yêu mến Cuba, ông còn dành một tình cảm đặc biệt cho các nước Mỹ Latinh. Có một dạo ông bị ốm nặng, anh em chưa kịp đến thăm đã lại thấy ông gượng dậy và có mặt tại các cuộc họp của Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba TPHCM. Anh em chúc mừng ông mau khỏi bệnh thì ông cho biết: “Đó là nhờ thắng lợi của phong trào cánh tả các nước Mỹ Latinh. Tự nhiên tôi thấy khỏe lạ lùng…”.
Lúc ấy, ông đã làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp thời ra mắt bản tin thứ 97, trong đó, ngay trang bìa là hình ảnh 3 vị nguyên thủ quốc gia: Tổng thống Venezuela Hugo Chavez Frias và Tổng thống Bolivia Evo Morales Ayma đang cười rạng rỡ bên cạnh Chủ tịch Fidel Castro tại buổi lễ ký kết các Hiệp ước thương mại cho các dân tộc châu Mỹ.
Ông đã rất hào hứng khi dịch bài viết của Nidia Diaz “Đã đến lúc đòi lại châu Mỹ” và nhiều bài phát biểu khác của chủ tịch Fidel. Nhiều hôm từ Cần Thơ, để kịp ra mắt bản tin, ông đã lụm cụm leo lên xe khách từ 2 giờ sáng để lên thành phố cho kịp giờ. Nghỉ hưu, đồng lương khiêm tốn nhưng ông vẫn dành hết thời giờ cho việc xuất bản tờ tin thay vì làm thêm kiếm tiền.
Chỉ với cái máy đánh chữ cũ kỹ, vậy mà đều đặn suốt 14 năm qua, bản tin vẫn ra mắt hàng tháng và được bạn bè, đồng nghiệp và các đồng chí lão thành cách mạng tiếp nhận một cách trân trọng, biết ơn. Ông say sưa nghiên cứu, sưu tầm và cứ thấy có tài liệu nào hay là ông dịch đưa vào bản tin cho mọi người đọc.
Là một trong những người sáng lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Kính luôn mong muốn làm một cái gì đó để nhân dân Việt Nam hiểu được tính chất phi lý của chính sách bao vậy cấm vận của Mỹ đối với Cuba, hiểu được tình cảm nhân dân Cuba dành cho Việt Nam và thấy được tình cảm của bạn bè khắp năm châu dành cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Cuba…
Sinh năm 1926 (cùng tuổi với Fidel), ông Nguyễn Hoàng Kính hầu như dành cả phần đời tươi đẹp nhất của mình cho những hoạt động ủng hộ Cuba. Ông đã được Nhà nước Cuba tặng Huân chương Hữu nghị năm 1997.
Ông ngã bệnh, bản tin tạm thời ngừng xuất bản, anh em, đồng nghiệp ngơ ngác, thương cảm. Ai cũng mong ông sẽ gượng dậy được, sẽ khỏi bệnh và lại thấy ông tươi cười có mặt bên đồng chí, bạn bè tại các cuộc họp ủng hộ Cuba…
NGỌC YẾN