Mẹ mất vào năm Cát Dung mới học lớp hai. Từ đó, bao nhiêu tình thương yêu và nỗi nhớ nhung mẹ được ba dồn hết vào con gái. Ba chăm chút, yêu thương Cát Dung như viên ngọc quý. Ba đưa đón từng buổi học. Ba nấu từng bữa cơm ngon. Ba kể chuyện cổ tích mỗi đêm ru giấc đứa con yêu. Chủ Nhật, ngày lễ, ba đưa Cát Dung về thăm ngoại. Nhưng ba vẫn còn trẻ…
Năm Cát Dung lên chín, ba tình cờ gặp lại người bạn gái thời trung học. “Bi kịch” gia đình bắt đầu từ đây. Một ngày, ba gọi Cát Dung vào phòng khách. Thái độ ba thật trang trọng không giống ngày thường chút nào. Ba nói với Cát Dung: “Nhà cần có một người phụ nữ để thật sự là mộït gia đình. Cô Thanh là người bạn thân từ thời ba còn đi học. Đến nay, cô ấy vẫn chưa có gia đình. Ba muốn cưới cô ấy. Ba muốn con có một người mẹ”.
Cát Dung không chờ ba nói hết, mắt đã ngân ngấn nước. Nó thét lên: “Con không cần cô Thanh, con chỉ thương mẹ con thôi! Con ghét ba. Ba cưới cô ấy, con sẽ về ở với ngoại”. Nó chạy vào phòng nằm khóc rưng rức và nhớ mẹ. Ba cũng buồn, cũng thức suốt đêm, ngồi mãi ngoài phòng khách.
Mấy lần cô Thanh tới chơi, Cát Dung đi học về trông thấy, liền quày xe qua nhà ngoại. Ngoại nhiều lần bảo ban: “Mẹ con đã mất rồi. Ngoại biết con thương mẹ. Nhưng con coi, ba con còn trẻ vậy mà phải sống một mình tội quá! Rồi vài năm nữa đi học xa, con lấy chồng, con đành lòng để ba thui thủi một mình sao?”. Mặc tình cho ngoại khuyên bảo, Cát Dung chỉ biết nghĩ cho mình. Nó không muốn ba yêu thương ai khác ngoài nó.
Được sự đồng tình của ngoại, cuối cùng, ba cũng cưới cô Thanh. Cát Dung đành phải vâng theo nhưng nó không dừng lại. Cô Thanh hết lòng thương yêu nó, nhưng trong lòng nó lại đầy nỗi oán hờn cô. Công việc nhà nó chẳng giúp một tay, cứ bỏ mặc cô. Thỉnh thoảng nó lại bày trò phá phách, tất cả đều nhắm vào cô. Cô Thanh vẫn lặng lẽ chịu đựng. Cảnh nhà vẫn yên ắng. Ba cứ tưởng Cát Dung đã biết nghĩ.
Cô Thanh có thai, đó là niềm vui lớn nhất trong lòng ba nhưng lại là nỗi căm hờn trong lòng Cát Dung. Ba dặn: “Dì có thai rồi, con nên giúp việc nhà một tay, đỡ đần cho dì nghe con!”. Trước mặt ba, nó vẫn vâng vâng, dạ dạ… Ba vui vì nó biết nghĩ. Cô Thanh thường ngồi ghế xích đu trước sân vào mỗi chiều để hóng mát và đón ba về. Nó nghĩ ra một cách để hại cô. Ngoại tới nhà vào buổi chiều đón nó về chơi. Cô Thanh rót nước mời ngoại rồi vào bếp chiên mấy con cá cho bữa cơm chiều. Ngoại ra ngồi ghế xích đu chờ nó.
...Nó tất tả chạy vào bệnh viện. Ngoại té trong tư thế ngồi nên tổn thương cột sống. Cái khoen xích đu vốn được gắn kỹ vào khung sắt bằng ốc vít sao lại tuột ra như vậy. Ngoại nằm trên giường đau đớn. Ba và cô Thanh vô cùng lo lắng khi bác sĩ bảo ngoại có thể nằm liệt rất lâu.
Đối diện với lương tâm cả tuần, nó lấy hết can đảm để đương đầu với sự thật. Nó không dám nói với ba, đành nhận tội với cô Thanh: “Con biết con đã có lỗi rất nhiều với dì, con chỉ mong dì che chở cho con. Ba biết, chắc ba sẽ hết thương con. Con có lỗi với mọi người”. Cô Thanh ôm nó vào lòng: “Con đã biết nghĩ là tốt rồi. Bỏ qua chuyện cũ hết đi. Con đã tin dì mà nói thật và nhận lỗi là đủ rồi, sẽ không ai biết chuyện này đâu”.
Ngoại xuất viện, cô Thanh và ba rước ngoại về nhà để tiện bề chăm sóc. Nó thay đổi tới ba cũng không ngờ. Nó quấn quýt bên ngoại để cô Thanh lo việc nhà. Nó không đi chơi nữa. Buổi tối, nó đẩy ngoại từ trong phòng ngủ ra phòng khách để cả nhà trò chuyện. Ba thường nhắc đi nhắc lại: “Không ngờ, sau tai nạn của ngoại, Cát Dung lại nên người như vậy!”. Ngoại vuốt tóc nó. Nó len lén nhìn cô Thanh. Ánh mắt cô nhìn nó bằng cả tình thương yêu và tha thứ.
HUYỀN TRÂM (Trà Vinh)