Báo chí là kênh truyền thông phổ biến hiện nay. Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển không ngừng của xã hội và sự bùng nổ thông tin, một số báo đã biến tướng trở thành phương tiện phát tán thông tin đời tư của người khác, nhất là những người nổi tiếng một cách bất hợp pháp để thu hút độc giả.
Dễ dàng thấy rõ trên các mặt báo, những thông tin về đời tư, scandal của người nổi tiếng xuất hiện với tần suất khá dày đặc. Trong đó, có không ít thông tin là sai sự thật và không được sự đồng ý của người được đưa tin. Đây là hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư.
Quyền bí mật đời tư được ghi nhận tại Điều 50 Hiến pháp năm 1992 và cụ thể tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo đó, “quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
Ở góc độ báo chí, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định 51/2002/NĐ-CP hướng dẫn Luật Báo chí quy định: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án)”.
Như vậy, nhà báo khi thu thập, công bố thông tin đời tư người khác cũng phải được sự đồng ý của người đó. Báo chí đăng tin đời tư người khác nhưng nếu không xin phép người đó thì bị coi là vi phạm pháp luật. Tiết lộ bí mật đời tư của người khác, đăng tin trên báo có thể sẽ làm ảnh hưởng đến nhân phẩm danh dự, thậm chí đẩy người đó vào tâm lý bi quan, sợ hãi, bị người khác khinh rẻ. Thực tế vừa qua, đã không ít trường hợp vì những thông tin đời tư bị phát tán mà nhiều bạn trẻ rơi vào bế tắc dẫn đến tự tử. Đối với những người nổi tiếng, việc này làm ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự, ảnh hưởng đến thái độ của khán giả và thậm chí còn làm ảnh hưởng đến cả công việc của họ.
Thực tế, tình trạng xâm phạm bí mật đời tư hiện nay đang xảy ra khá phổ biến. Thế nhưng, số lượng vụ việc được yêu cầu giải quyết lại rất ít. Đa phần những người bị đưa tin không muốn làm lớn thêm sự việc vì cho rằng sẽ càng làm bí mật lan rộng hơn, thậm chí có nhiều người không biết được quyền lợi của mình được bảo vệ nên chỉ “im lặng”. Thiết nghĩ, với những quy định pháp luật nêu trên, người bị xâm phạm bí mật đời tư hãy bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách chính đáng, tránh vì tâm lý sợ hãi, e dè mà im lặng khiến cho một số báo lợi dụng phát tán thêm nhiều thông tin khác nữa. Về phía nhà báo và các đơn vị báo chí, cần thực hiện đúng quy định pháp luật trong khi thu thập, đăng tin có liên quan đến bí mật đời tư của người khác.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng luật sư Phans)