Tuần qua, “kim cương đen” của làng thời trang thập niên 90, còn được mệnh danh là “báo đen” Naomi Campbell và bạn trai - tỷ phú Nga Vladislav Doronin đã được tôn vinh tại sự kiện thường niên Angel Ball do Quỹ Angel (Mỹ) tổ chức.
Quỹ Angel là tổ chức chuyên hỗ trợ các công trình nghiên cứu về bệnh ung thư. Sự trở lại của Naomi trước giới truyền thông lần này được đánh giá là mốc son quan trọng trong sự nghiệp của cô. Những nỗ lực của cô vì cộng đồng, gây quỹ ủng hộ nạn nhân HIV/AIDS, cũng như những nạn nhân của trận động đất kinh hoàng ở Haiti (năm 2010) và Nhật Bản (2011) đã được ghi nhận. Đã rất lâu, truyền thông mới có những bài viết tích cực dành cho người mẫu tài năng này.
Thời gian gần đây, tên tuổi của Naomi Campbell được nhắc cùng với thương hiệu chương trình biểu diễn thời trang Fashion For Relief (Thời trang xoa dịu nỗi đau). Chương trình được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2005 tại thành phố New York (Mỹ) và Luân Đôn (Anh) để kêu gọi ủng hộ cho nạn nhân trong thảm họa sóng thần châu Á năm 2005.
Chương trình tiếp theo diễn ra năm 2009 để tưởng nhớ một năm xảy ra vụ khủng bố đẫm máu ở Mumbai (Ấn Độ). Năm 2010 và 2011, Fashion For Relief được thực hiện để quyên góp cho người dân Haiti và Nhật Bản hứng chịu thảm họa thiên tai nặng nề.
Tháng 7 vừa qua, thông qua Hội Chữ thập đỏ thế giới, Naomi Campbell đã chuyển khoản số tiền gần 148.000 USD hỗ trợ người dân Nhật Bản chịu thiệt hại sau thảm họa kép ngày 11-3. Tháng 4-2010, Naomi đã tổ chức buổi bán đấu giá 8 chiếc xe hơi sang trọng giúp các nạn nhân ở Haiti.
Ngoài ra, bằng tên tuổi của mình, Naomi Campbell đã tạo được sức ảnh hưởng lớn giúp những dự án từ thiện mà cô tham gia như Nelson Mandela Children’s Fund, Breakthrough Breast Cancer, Fashion Targets Breast Cancer, We Love Brazil...
Sau một thời gian liên tục xuất hiện trên trang nhất các tạp chí thời trang, giải trí với những mỹ từ mà giới truyền thông hào phóng dành cho mình, Naomi Campbell đã im tiếng khá lâu. Uy tín của cô giảm sút nghiêm trọng từ khi dính đến ma túy, rồi đến rắc rối khi nhận viên kim cương thô từ nhà độc tài Liberia Charles Taylor. Viên kim cương này có nguồn gốc từ hoạt động khai thác “kim cương máu” phi pháp, bóc lột sức lao động của công nhân, dùng cho mục đích chiến tranh. Tuy nhiên, cô đã vượt qua tất cả, cố gắng xây dựng hình ảnh đẹp với cộng đồng và góp sức xoa dịu nỗi đau cho những số phận kém may mắn.
Hà Nhi