Cuộc chiến tại Libya kéo dài 8 tháng qua đã chấm dứt nhưng những mối lo mới bắt đầu xuất hiện. Bên cạnh sự lo lắng về tình hình an ninh, chính trị, kinh tế là việc bảo tồn hàng loạt các di sản, những biểu tượng văn hóa đặc trưng của đất nước.
Theo Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), trong cuộc chiến Libya, các di sản văn hóa thế giới không bị thiệt hại nhưng không có nghĩa là không bị đe dọa. Nguy cơ này đã gia tăng nhiều sau cái chết của lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Các chuyên gia văn hóa tuyên bố, những kinh nghiệm của Iraq và Afghanistan cho thấy, giai đoạn hậu xung đột là nguy hiểm nhất. Những nhóm vũ trang sẽ lộng hành và vơ vét các di sản văn hóa.
Libya có 5 địa danh được công nhận là di sản thế giới của UNESCO, trong đó có Cyrene, một trong những TP đầu tiên của Hy Lạp cổ đại. Thị trấn cổ Ghadames, còn được mệnh danh “hòn ngọc của sa mạc”, nằm gọn trong một ốc đảo, cách thủ đô Tripoli khoảng 549km về phía Tây Nam. Dù trải qua nhiều biến động thăng trầm, Ghadames vẫn bảo tồn rất tốt các ngôi nhà cổ, được xây từ đất sét, gỗ; được quét vôi, vẽ tranh trang trí hết sức đẹp mắt.
Cũng nằm gần Tripoli là di chỉ khảo cổ Leptis Magna. Di sản thứ 4 là các tranh vẽ trên đá ở núi Acacus. Cuối cùng là di chỉ khảo cổ Sabratha. Nơi đây có phế tích nổi tiếng của nhà hát cổ có sức chứa 5.000 người, được trang trí bằng những bức phù điêu tả lại các sự kiện lịch sử, thần thánh và cả nội dung nghệ thuật. Các công trình nổi tiếng khác gồm đền thờ Liber Pater, hoàng cung Justinian, đền thờ Serapis, đền thờ Hercules và đền thờ Isis.
Lý giải nguyên nhân những di sản văn hóa nổi tiếng của Libya không bị hư hại, ông Hafed Walda, một giáo sư khảo cổ học người Libya đang làm việc tại Trường Cao đẳng London (Anh) cho biết, người dân Libya có ý thức bảo tồn những di sản này. Họ tự phân chia trách nhiệm canh giữ các di sản. May mắn hơn nữa là dù dội bom xuống nhiều khu vực ở Libya nhưng máy bay NATO chưa làm hư hại các di sản văn hóa. Tuy nhiên, một vụ trộm lớn đã xảy ra vào tháng 5 tại Ngân hàng quốc gia Benghazi. Những tên cướp có vũ trang đã lấy đi 8.000 đồng xu cổ làm từ bạc và vàng từ thời Alaexander Đại đế rất có giá trị.
Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO, cảnh báo các nhà buôn nghệ thuật và các bảo tàng trên thế giới nên đặc biệt cảnh giác với những đồ vật có xuất xứ từ Lybia trong bối cảnh hiện nay, bởi rất có thể họ sẽ mua phải những cổ vật bị đánh cắp từ đất nước này. Các nhóm chuyên gia sẽ được UNESCO phái tới Libya để cùng giới chức nước này đánh giá nhu cầu trợ giúp, ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp các di sản văn hóa và xây dựng kế hoạch hành động bảo vệ di sản.
PHƯƠNG NAM