Một máy thở được đưa vào miệng để giúp thở, dịch được truyền liên tục và hệ thống theo dõi tim mạch luôn túc trực là những gì mà bệnh nhi T.H.M.Tiến (5 tuổi, ngụ phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM) đang được cấp cứu tại khoa Nhiễm - BV Nhi đồng 2 TPHCM. Trước đó, Tiến nhập viện trong tình trạng lơ mơ, sốt cao, có biểu hiện suy hô hấp, trụy tim mạch… Qua xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán Tiến bị sốt xuất huyết (SXH).
Nhiều trường hợp bị biến chứng nặng
Đã qua 4 ngày điều trị tích cực nhưng bệnh tình của Tiến vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, các bác sĩ nhận định bệnh nhi vẫn còn bị biến chứng phổi, tim mạch nặng. Chị N.T.T.Thảo, mẹ cháu Tiến, lo lắng: “Mấy hôm trước thấy cháu sốt nhẹ, tôi nghĩ cháu bị cảm nắng bình thường. Ai ngờ qua hôm sau vẫn sốt, nhưng đến khi cháu mỏi mệt, bỏ ăn, tôi mới đưa vô bệnh viện. Thật tôi chủ quan quá”.
Theo trình bày của chị Thảo, ở khu vực nhà chị muỗi rất nhiều, diệt không hết được. “Hôm trước phun thuốc diệt, hôm sau lại thấy muỗi bay vù vù”, chị Thảo nói. Lật bệnh án của cháu Tiến, bác sĩ (BS) Trần Thị Thúy, Trưởng khoa Nhiễm, băn khoăn không hiểu vì sao đang trong mùa khô, chưa phải chu kỳ của dịch SXH bùng phát, nhưng lại có nhiều trẻ mắc và bị biến chứng nặng như vậy.
“Mấy tuần qua bệnh viện liên tục tiếp nhận các bệnh nhi SXH và hiện nay đang theo dõi 3 ca bị biến chứng nặng”, BS Thúy cho biết.
Trong những ngày qua, BV Nhi đồng 1 TPHCM cũng tiếp nhận nhiều ca mắc SXH bị sốc nặng. Điển hình là trường hợp cháu Ng.T.T.M. (9 tháng tuổi, ngụ TPHCM). Cháu M. nhập viện trong tình trạng lừ đừ, tím tái, tay chân lạnh. Khai thác bệnh sử ghi nhận cháu sốt cao liên tục 4 ngày, ói mửa 3-4 lần/ngày, tiêu lỏng 5-6 lần/ngày. Ngày thứ 5 bớt sốt, tay chân lạnh, nổi bông tím, bỏ ăn, ói ra máu lợn cợn đen.
Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm máu cho thấy cháu M. bị sốc SXH độ III (biến chứng nặng). Các bác sĩ đã tiến hành truyền dịch chống sốc tích cực, nhưng tình trạng sốc không cải thiện nên được truyền dung dịch đại phân tử, đo huyết áp xâm lấn.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, năm 2009 toàn TP có 17.051 ca mắc SXH. Trong đó 13 ca tử vong, tăng một ca so với năm 2008. |
Theo BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 kiêm Trưởng khoa SXH, diễn tiến bệnh cháu M. phức tạp, mặc dù được truyền dịch theo phác đồ, nhưng trẻ đáp ứng kém, biểu hiện sốc kéo dài, biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp nặng, nên được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu đậm đặc để cầm xuất huyết tiêu hóa…
Dễ nhầm lẫn với các bệnh khác
Qua nhiều trường hợp mắc SXH nặng gần đây, BS Lê Bích Liên lưu ý, bệnh SXH có thể tấn công mạnh trẻ em trong thời gian tới, đặc biệt ở trẻ nhũ nhi. Điều đáng chú ý, theo BS Liên, trẻ mắc bệnh thường kèm các triệu chứng đường hô hấp, tiêu hóa nên dễ nhầm với các bệnh khác, ngay cả nhân viên y tế đôi khi cũng “bị lừa”.
Do đó, khi thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có các biểu hiện: bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng; tay chân lạnh; nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống… phải đưa trẻ vào bệnh viện.
Còn BS Trần Thị Thúy cũng khuyến cáo, đối với các cháu đã mắc bệnh, cần cho ăn lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, cho các cháu uống paracetamol liều 10-15mg/kg/lần mỗi 6 giờ cho đến khi hạ sốt. Tuyệt đối không được sử dụng aspirin để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết nguy hiểm cho trẻ.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, dịch SXH diễn ra quanh năm trên nhiều địa bàn quận huyện của TP, nhưng theo chu kỳ bùng phát vào mùa mưa. Trong đó, trên 80% người mắc SXH rơi vào trẻ nhỏ. Tuy nhiên, năm nay dù đang trong mùa khô nhưng có nhiều em SXH nặng là điều bất thường.
BS Nguyễn Đắc Thọ, PGĐ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho rằng nhiều khả năng dịch SXH sẽ lan rộng trong năm nay do thời tiết thay đổi, nhiều công trình xây dựng dở dang, vệ sinh môi trường chưa được tốt… tạo điều kiện cho lăng quăng, muỗi sinh sôi.
BS Thọ cho biết, nhằm phòng ngừa SXH, ngoài tăng cường vệ sinh khu phố, ao rạch, phải diệt muỗi, diệt lăng quăng bằng cách thường xuyên súc rửa, đậy kín lu, vại, dẹp bỏ các vật chứa nước khác như vỏ xe cũ, gáo dừa, lọ hoa và ngừa không cho trẻ bị muỗi đốt bằng cách mặc áo dài tay, ngủ mùng, thoa kem chống muỗi…
QUỲNH CHI