Bão giá tăng cao, người Hàn tìm việc làm thêm

Choi Sun-hoo, một ông bố hai con sống ở thành phố Sejong ở phía Nam Seoul, gần đây nhận thêm công việc giao hàng vào cuối tuần. “Tôi là một người làm công ăn lương, tiền lương hàng tháng của tôi không đủ để nuôi gia đình”, anh Choi nói.
Người Hàn Quốc tìm công việc phụ để trang trải mức phí sinh hoạt tăng cao
Người Hàn Quốc tìm công việc phụ để trang trải mức phí sinh hoạt tăng cao

Hai đứa con của anh Choi đều là học sinh cấp 2, đi học tại các trường luyện thi tư nhân về tiếng Hàn, toán và tiếng Anh. Trước đây, khoản chi phí giáo dục không hề thấp này gia đình anh Choi vẫn có thể  quản lý được. Nhưng mọi việc đã thay đổi trong vài tháng gần đây, khi mức sinh hoạt phí trong gia đình tăng vọt. Mọi thứ đều phải được tính toán kỹ lưỡng, từ thực phẩm, đồ dùng hàng ngày đến hóa đơn tiền nhà, điện, nước, điện thoại hàng tháng. 

Anh Choi cho biết, mọi thứ đều tăng ngoại trừ tiền lương. Vợ anh Choi đang có ý định kiếm việc làm ở một quầy thu ngân tại một chuỗi trung tâm bán lẻ gần nhà. Dĩ nhiên, anh Choi không phải là người duy nhất làm công việc phụ để kiếm sống khi đã có mức thu nhập ổn định hàng tháng.

Chị Shin Ji-seon ngoài 30 tuổi và là mẹ của 2 đứa trẻ, gần đây cũng đang phải làm công việc bán thời gian ở một cửa hàng cà phê. “Chi phí cho mọi thứ đều tăng nhanh và tôi nghĩ gia đình mình không thể tồn tại khi chỉ dựa vào khoản lương tháng của gia đình”, chị Shin nói. Trường hợp của anh Choi và chị Shin là minh chứng rõ nhất về việc ngày càng nhiều người dân Hàn Quốc tìm các công việc làm thêm khác nhau để có tiền chi trả sinh hoạt phí ngày càng gia tăng và trả lãi suất vay ngân hàng. 

Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho thấy, số người tìm công việc phụ đang ở mức 629.610 người trong tháng 5 năm nay. Đây là con số cao nhất cho đến nay và tăng 18,4% so với một năm trước đó. Con số này đã tăng 65% so với mức 381.314 vào tháng 1-2020, ngay trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, đã minh họa rõ ràng về việc ngày càng có nhiều người Hàn Quốc buộc phải kiếm công việc phụ để trang trải cuộc sống hàng ngày do lạm phát tăng cao kỷ lục. Nền kinh tế Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ mất đà tăng trưởng do sự gia tăng các yếu tố kinh tế bất ổn bên ngoài có thể làm giảm đầu tư và đà tăng trưởng của xuất khẩu. 

Chỉ số giá tiêu dùng ở Hàn Quốc trong tháng 7 đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất trong gần 24 năm và tăng mạnh so với mức tăng 6% trong tháng 6. Trong khi đó, lãi suất vay ngân hàng tại Hàn Quốc đã bị điều chỉnh theo hướng tăng lên. Khoản vay thế chấp hiện là 5,4% so với tỷ lệ 2,61% vào năm 2020. Tính tới tháng 3 năm nay, tổng khoản nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc đã tăng lên 1.752 ngàn tỷ won (1,35 ngàn tỷ USD). Bên cạnh đó, tiền điện và gas ở Hàn Quốc cũng liên tục tăng trong vài năm qua và được dự báo tăng hơn gấp đôi trước thời điểm cuối năm nay.

Trước bối cảnh nền kinh tế đang xuất hiện những yếu tố rủi ro khó lường, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến công bố sớm hơn các biện pháp ổn định sinh kế cho người dân. Tại các cuộc họp diễn ra ở Seoul trong tháng 8, sau khi xem xét các xu hướng tác động đến kinh tế như lạm phát tăng, giá dầu và tỷ giá hối đoái, Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho và giới chức phụ trách kinh tế đã đưa ra các biện pháp ứng phó lạm phát bao gồm: mở rộng phạm vi cắt giảm thuế nhiên liệu, chiến lược đổi mới các quy định kinh tế và các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu để ổn định giá cả sinh hoạt cho đến hết năm 2022. Nhiều khả năng chính phủ cũng sẽ xem xét đưa ra các hỗ trợ thiết yếu như chi phí đi lại và thông tin liên lạc.

Tin cùng chuyên mục