Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Tỷ lệ người tham gia còn thấp

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện mang lại lợi ích thiết yếu cho người lao động, nhất là những người lao động (NLĐ) tự do vì khi không còn đủ sức khỏe để làm việc và đủ thời gian đóng theo quy định sẽ được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ NLĐ tham gia còn khá thấp, cần được khuyến khích, tuyên truyền sâu rộng hơn.

Thời gian đóng còn dài

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa (bán sạp trái cây tại chợ Cây Quéo, phường 5, quận Bình Thạnh, TPHCM) thu nhập mỗi tháng khoảng 13-15 triệu đồng, nhưng chưa tham gia BHXH tự nguyện dù đã được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động.
Bà Hoa chia sẻ: “Cán bộ phường có đến nói với tôi nên tham gia BHXH tự nguyện vì có nhiều lợi ích lúc lớn tuổi, có lương hưu, đồng thời được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế ở mức quyền lợi cao hơn. Nhưng thật sự, nghe phải đóng tới 20 năm mới được hưởng lương hưu thì tôi hơi ngại vì tôi đã 50 tuổi, ông xã tôi cũng ngoài 50”.
Cũng tâm lý như vợ chồng bà Hoa, nhiều NLĐ tự do cũng đang e dè khi đề cập đến việc đóng BHXH tự nguyện.
“Tôi buôn thúng bán bưng, được đồng nào lo chi tiêu con cái ăn học, sinh hoạt gia đình, đâu có dư. Vả lại, muốn đóng BHXH cũng chưa biết đóng thế nào nên cũng ngại”, chị Trần Thị Thắm (bán tạp hóa trên đường Bùi Văn Ba, quận 7, TPHCM) tâm sự. 
Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Tỷ lệ người tham gia còn thấp ảnh 1 Người buôn bán nhỏ cần tham gia BHXH tự nguyện để có nhiều quyền lợi lúc về già
Theo BHXH Việt Nam, việc phát triển BHXH tự nguyện gặp khó một phần do những đặc điểm riêng của nhóm đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức và một phần do chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn, bởi khi tham gia, NLĐ chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất, thời gian đóng còn dài, chưa linh hoạt. Trong khi BHXH bắt buộc được hưởng 6 chế độ (ốm đau, thai sản, thất nghiệp, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp).
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về BHXH tự nguyện của ngành chức năng TPHCM vẫn còn hạn chế, đại đa số người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng về sau của việc tham gia BHXH cùng với khả năng kinh tế hạn hẹp, nên nhiều người không hào hứng tham gia.
Theo BHXH Việt Nam, lũy kế đến năm 2020, số người tham gia BHXH ước đạt 16.101.000 người, chiếm khoảng 32,6% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 327.000 người so với năm 2019; trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.068.000 người, chỉ đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.
Có được quyền lợi nhất định
Quận Gò Vấp là địa phương có số dân đông cũng như NLĐ tự do đứng thứ 3 trên tổng số các quận huyện của TPHCM. Với nỗ lực vận động của chính quyền các cấp, số NLĐ tham gia BHXH tự nguyện có chiều hướng gia tăng.
Theo ông Hồ Hải Luận, Giám đốc BHXH quận Gò Vấp, kết thúc năm 2020, toàn quận đã thu hút thêm 2.636 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng thêm gần 1.800 trường hợp so với năm 2019.
“Kết quả này phần lớn nhờ sự chỉ đạo sát sao của Quận ủy, UBND quận và sự hỗ trợ của UBND các phường. Bên cạnh đó, Hội liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động quận cũng có sự tuyên truyền với những NLĐ mất việc làm; Ban quản lý các chợ truyền thống trên địa bàn cũng tích cực vận động các hộ kinh doanh cá thể tham gia mua BHXH tự nguyện”, ông Luận cho biết. 
Lý giải địa phương có số người tham gia BHXH tự nguyện tăng, trong khi nhiều nơi NLĐ vẫn chưa mặn mà, ông Luận cho rằng ngoài vận động, tuyên truyền, mức đóng BHXH cũng linh hoạt, số lượng lao động mất việc do ảnh hưởng dịch bệnh nhiều nên họ muốn tham gia BHXH tự nguyện để an tâm hơn về sau. 
Chủ trương khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện là nhân văn và mang tính lâu dài. Vì vậy, theo lãnh đạo BHXH THCM, những NLĐ chưa tham gia BHXH tự nguyện thì nên sớm tham gia vì nó mang lại những lợi ích thiết thực. Trong giai đoạn ngắn họ chưa được hưởng, nhưng về lâu dài, họ được hưởng lương hưu trí; thứ hai, nếu có vấn đề gì không may thì con cái, người thân đỡ lo về tiền bạc. Ở một chừng mực nào đó, nếu đến một thời điểm NLĐ không đóng được nữa, thì họ sẽ lấy lại được một khoản tiền đã đóng, kèm số tiền bù trượt giá hàng năm do Chính phủ quy định, giống như một cuốn sổ tiết kiệm tích lũy. 
Theo một số chuyên gia xã hội học, hạn chế hiện nay là thời gian đóng bảo hiểm quá dài, tâm lý đóng hôm nay để 20 năm sau hưởng chưa phải là thói quen của phần đông người Việt Nam và cả một số quốc gia trên thế giới. Đó là chưa kể mức hưởng hiện nay quá ít. Do vậy, bộ, ngành chức năng cần có sự điều chỉnh linh hoạt hơn, tạo sự hấp dẫn đối với NLĐ khu vực phi chính thức để họ cảm thấy việc tham gia BHXH tự nguyện có thể mang lại lợi ích ngắn hạn, dài hạn đối với bản thân và gia đình.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2021 của BHXH Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu BHXH Việt Nam cần bám sát chỉ tiêu của ngành, chủ động, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ tham gia BHXH đạt 45% dân số, tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 35%... Các địa phương và ngành BHXH cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức, tư duy, thói quen của người dân về BHXH, hình thành thói quen tham gia trong nhân dân. 

Tin cùng chuyên mục